Mặc dù bất ngờ vượt Thái Lan về giá xuất khẩu tuy nhiên gạo của Việt Nam lại đang đối mặt với khó khăn khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và kiểm soát "ngặt" hơn.
Chạm ngưỡng 2 tỷ USD
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2018 ước đạt 382 nghìn tấn với giá trị đạt 195 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 508 USD/tấn, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Không còn bế tắc như năm 2017, từ đầu năm 2018 đến nay, ngành gạo Việt đã có sự bứt phá mạnh khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh giá về khối lượng và giá trị. Đáng chú ý, trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan (435 USD/tấn) và Ấn Độ (410 USD/tấn).
Một số chuyên gia trong ngành đánh giá, đây là chuyện hiếm chưa từng có, bởi từ trước đến nay gạo Việt luôn chịu phận lép về trước đối thủ Thái Lan. Thậm chí khi nói về thương hiệu gạo Việt Nam, các chuyên gia còn cho rằng chúng ta đi sau Thái Lan cả 100 năm.
Vượt qua rào cản
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam với 1,133 triệu tấn, trong đó xuất chính ngạch là 1,115 triệu tấn, bán qua đường biên giới là 18 ngàn tấn. Kế đến là thị trường châu Phi với 537 ngàn tấn; Philippines là 429 ngàn tấn; Indonesia là 776 ngàn tấn; Malaysia với 305 ngàn tấn...
Có thể bạn quan tâm
03:27, 18/07/2018
06:47, 08/06/2018
10:36, 30/08/2017
06:00, 21/08/2017
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gentraco cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt, bỏ qua vấn đề cung cầu của thị trường chỉ xét về điều kiện địa lý thì chúng ta có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh.
Và hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc vì thị trường này chiếm đến 40% khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tạo ra 2 rào cản rất lớn cho ngành gạo của chúng ta. Trong đó phải kể đến việc Trung Quốc "làm khó" khi nước này bất ngờ tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá xuất khẩu giảm 50-60 USD/tấn so với trước khi áp thuế, còn 425-435 USD/tấn.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng bị ảnh hưởng do Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu và nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
"Trước đây, chúng ta thường có quan niệm "Trung Quốc là thị trường dễ tính" nhưng trên thực tế không phải như vậy, hiện nay từ thịt heo đến các loại rau củ quả của Việt Nam khi xuất bán vào thị trường Trung Quốc nếu không đạt chuẩn họ sẽ không cho nhập vào, ngay cả gạo cũng vậy", ông Kiên nhấn mạnh.
Do vậy, để có thể khai thác tốt thị trường Trung Quốc, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ tốt của Trung ương về mặt chính sách. Đối với vấn đề chất lượng sản phẩm cần có sự tiếp sức của ngành nông nghiệp cùng người nông dân sản xuất ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời chủ động tìm kiếm thêm các thị trường mới có nhiều tiềm năng hơn, có giá trị cao.