Sắp bước vào giai đoạn mùa thấp điểm của du lịch, các địa phương đang nỗ lực xúc tiến để tìm kiếm thêm thị trường mới, trong đó tận dụng liên kết các thành phố du lịch lớn.
>>Thay đổi tư duy truyền thông du lịch
Trong 6 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 8,83 triệu lượt, khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỉ đồng.
Mới đây, tại Đà Nẵng đã tổ chức 2 sự kiện xúc tiến du lịch lớn đến từ 6 tỉnh Việt Bắc và Ninh Thuận. Các địa phương này đến Đà Nẵng để quảng bá du lịch, đồng thời xúc tiến thị trường cho các sản phẩm chủ lực của địa phương để tìm kiếm thêm nguồn khách du lịch mới.
Cụ thể, “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024” tổ chức với mục tiêu để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đến người tiêu dùng và du khách tại TP Đà Nẵng. Cùng với đó, quảng bá văn hóa, du lịch Ninh Thuận đến với nhân dân, nhà đầu tư du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh Duyên hải miền Trung nói chung.
Tại đây, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay địa phương có nhiều tài nguyên du lịch, đa dạng văn, nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm,... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ông Nam cho biết, Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển,...
Tương tự, chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn năm 2024 cũng đã tiến hành xúc tiến tại Đà Nẵng mới đây. Tại đây, các doanh nghiệp du lịch, các địa phương gồm 6 tỉnh Việt Bắc gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và Đà Nẵng đã tiến tới thỏa thuận ký kết hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch.
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin vùng đất Việt Bắc mang đậm dấu ấn lịch sử, tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phong phú được gìn giữ. Đặc biệt, các tỉnh Việt Bắc đều xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương. “Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, cùng với sự nhiệt tình mến khách của người dân, sự liên kết của các doanh nghiệp, Công ty lữ hành tham gia tại TP. Đà Nẵng, 6 tỉnh Việt Bắc sẽ trở thành “Điểm đến du lịch” lý thú, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước”, ông Hưng nhận định.
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề xuất các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư, các hãng hàng không, hãng du thuyền tàu biển và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng vào cuộc, cùng liên kết hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm đến Ninh Thuận với cả nước qua Đà Nẵng là trung tâm đầu mối của miền Trung. Đồng thời, ông Siêu cũng đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá. “Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quyết tâm đưa du lịch Ninh Thuận phát triển vươn tầm khu vực và thế giới”, ông Siêu đề nghị.
Không chỉ các địa phương ở xa, tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế cũng đang nổ lực trong việc phát triển sản phẩm du lịch mới kỳ vọng hình thành “chuyến tàu di sản miền Trung”. Hiện nay, việc phát triển du lịch qua đường sắt đang được các địa phương tận dụng, trong đó Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã triển khai và mang lại hiệu quả trong những tháng đầu tiên. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực xúc tiến, phát triển hạ tầng để khớp nối với 2 địa phương còn lại.
Nói về sản phẩm này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng liên kết vùng sẽ được thúc đẩy, qua đó hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch, hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch. Cụ thể, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ quản lý, vận hành, kết hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn/dịch vụ tại ga Trà Kiệu, Tam Kỳ. Tiếp đến, các bên sẽ vận hành thử nghiệm việc mở rộng “chuyến tàu di sản miền Trung” từ ga Đà Nẵng đến ga Trà Kiệu trong năm 2024.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, việc phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là hoạt động nằm trong kế hoạch hợp tác dài hạn của Quảng Nam với ngành đường sắt để mời gọi du khách từ các tỉnh ở xa đi tàu lửa đến Quảng Nam du lịch. “Quảng Nam đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Địa phương cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch phát triển bền vững, đến với Ninh Thuận để đầu tư, trải nghiệm, tham quan nghỉ dưỡng”, ông Nam nói.
Có thể bạn quan tâm