Các dự án điện gió đi vào hoạt động góp phần cụ thể hóa mục tiêu của nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI...
>>Bến Tre: Nền tảng phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát triển năng lượng tái tạo là một trong các nội dung không thể thiếu của chiến lược hướng đông, là xu hướng tất yếu, là định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Các dự án điện gió đi vào hoạt động góp phần cụ thể hóa mục tiêu của nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI định hướng phát triển bến tre về hướng đông với trọng tâm là phát triển kinh tế biển.
Nguồn năng lượng sạch từ điện gió sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Bến Tre.
Với 65 km bờ biển, Bến Tre có rất nhiều dư địa để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Thời gian gần đây, tỉnh Bến Tre đang tập trung kêu gọi các nguồn lực phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối và năng lượng khí… Trong đó năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió được quan tâm phát triển mạnh.
Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt vào năm 2015, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh được nghiên cứu ở vùng đất liền ven biển và vùng bãi bồi ven biển với vị trí cách bờ xa nhất là 12 km, tiềm năng nghiên cứu quy hoạch của Bến Tre diện tích gần 40.000ha, quy mô công suất 1.520 MW.
Đến năm 2020, khi công nghệ điện gió phát triển mạnh mẽ, ngoài các vị trí đã được xác định trên bờ và gần bờ trong Quy hoạch thì đã có hơn 100.000ha mặt biển được nhà đầu tư khảo sát, đề xuất phát triển dự án điện gió ngoài khơi với khoảng cách xa nhất lên đến 42km. Điện gió ngoài khơi tuy thi công phức tạp nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội, nhất là cung cấp sản lượng điện lớn và ổn định hơn.
Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tỉnh đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7 MW. Có 9/19 dự án với công suất khoảng 368 MW đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 270 MW; trong đó, 5/9 dự án đã vận hành thương mại, hòa vào điện lưới quốc gia với công suất 93,05 MW.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, sẽ triển khai tiếp tục các dự án còn lại. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đã đề xuất bổ sung vào qui hoạch phát triển điện lực quốc gia 27 dự án, tổng công suất 11.400MW.
Tỉnh Bến Tre cũng triển khai các công trình đường dây 220kV Thạnh Phú - Mỏ Cày Nam; trạm biến áp 110kV Phú Thuận; đường dây 110kV Phú Thuận - Bình Đại; đường dây 110kV Ba Tri - Bình Thạnh; trạm biến áp 110kV An Hiệp và đường dây 110kV Bến Tre - An Hiệp. Các công trình, dự án này đang được gấp rút triển khai để sớm đưa vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, các dự án điện gió có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đơn giản, nếu phát triển 1.500 MW điện gió, sản lượng điện phát ra trung bình trên 4 tỷ kWh/năm, đạt doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, thì mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, dự án sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho người dân vùng dự án và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Từ đó, góp phần to lớn đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng dự án nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung. Các dự án nhà máy điện gió góp phần phát triển kinh tế biển tại Bến Tre.
Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng được sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các địa phương nên các thủ tục liên quan được giải quyết nhanh chóng; tốc độ gió tốt (6 - 7 m/s) tại khu vực các huyện ven biển tỉnh Bến Tre nên hiệu suất khai thác rất cao…
Ngoài việc cung cấp điện cho điện lưới quốc gia, tạo được nguồn điện tại chỗ, ổn định cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, các dự án điện gió còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, giúp giảm nhẹ tác hại của biến đổi khí hậu mà Bến Tre được xác định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió theo kế hoạch. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch; khuyến khích, có chính sách cho thuê tài sản công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển ít nhất 1.500 MW, đến năm 2030 phát triển 3.000 MW.
Bến Tre tiếp tục huy động các nguồn lực nhất là từ khu vực doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưới truyền tải và trạm biến áp theo quy hoạch, đồng thời, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm thi công các công trình trạm 110kV và đường dây 110kV như: Giao Long-Phú Thuận, Phú Thuận- Bình Đại, Ba Tri-Thạnh Phú và Bến Tre-An Hiệp, góp phần giải tỏa công suất cho các dự án điện gió trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm