Các giải pháp vực dậy thị trường bất động sản

ĐÌNH ĐẠI 28/04/2023 01:00

Tại Hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” mới đây, các chuyên gia và doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp nhằm vực dậy thị trường bất động sản.

>>>“Bắt đúng bệnh” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 27/4 - Ảnh Đình Đại.

Hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 27/4 - Ảnh Đình Đại. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, ngành Bất động sản (BĐS) chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực chiếm khoảng 21% trong năm 2022.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có đến 70% tăng trưởng tín dụng BĐS là tín dụng dành cho tiêu dùng chứ không phải dành cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS. Ông đánh giá, đây là điều không bình thường.

Theo Chủ tịch HoREA, TP.HCM có 402 dự án vừa được tháo vướng mắc cấp sổ hồng, trong đó có 110 căn nhà/căn hộ đã được cấp sổ. Từ nay đến cuối năm, có 81.085 căn đủ điều kiện để cấp sổ hồng. Nếu vậy, giúp tăng thu thêm 5% còn lại, người dân được bảo đảm, đưa sổ ra giao dịch làm ăn... giúp tăng thu thuế.

Cũng theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, Chính phủ đã thành lập 2 tổ công tác tháo gỡ cho thị trường BĐS, đến nay giải quyết cho 5 dự án được huy động vốn, trong đó 4 dự án chỉ huy động được 50% và 1 dự án 100%. Tổng số căn hộ của 5 dự án này gần 5.432 căn trong đợt 1. Nếu tiếp tục hoàn chỉnh pháp lý, từ nay đến cuối năm, sẽ có hơn 5.000 căn hộ được đưa ra thị trường. 

ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị, NHNN sớm bỏ quy định tại Thông tư 16. Ảnh: Đình Đại.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch HoREA kiến nghị, NHNN sớm bỏ quy định tại Thông tư 16. Cụ thể, bỏ điểm a, khoản 8, Điều 4 của Thông tư 16 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

“Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Do đó, NHNN cần bãi bỏ quy định tại Thông tư 16 để đồng bộ với Nghị định, tránh tình trạng vênh nhau”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua là do đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga – Ukraine.

Ông phân tích, thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08, trong đó xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Sau khi Nghị quyết ra đời, nhiều doanh nghiệp BĐS đã chuyển hướng đầu tư sang BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, nhằm ủng hộ Nghị quyết của Trung ương.

ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tính trạng thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua là do đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga – Ukraine - Ảnh: Đình Đại.

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: Đình Đại.

Ông Hải đánh giá, chủ trương của Trung ương là đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta thiếu may mắn do toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong 3 năm liên tiếp 2021, 2022 và 2023, ngành du lịch tăng trưởng âm, lần lượt là 79 - 99 và 80%. Đây là biến cố rất lớn và không ai lường trước được.

Chủ tịch Hòa Bình Group cho rằng, khi phát triển một lĩnh vực mới, những năm đầu tiên rất quan trọng, nhưng lại vướng vào đại dịch. Do đó, cần phải hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng. Bởi khi phát triển một căn nhà đã khó, nhưng những doanh nghiệp này lại phát triển hàng nghìn căn nhà, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, đồng thời cũng là tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nhìn nhận, mặc dù có một số doanh nghiệp có sai phạm trong việc huy động vốn trái phiếu để trả nợ, nhưng cũng do nguyên nhân khách quan là vốn bị “chôn” khi đầu tư BĐS du lịch.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, doanh nghiệp rất khó cân đối được nợ và nguồn thu, dù đã giảm giá rất sâu, nhưng vẫn không thể tiêu thụ được sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến toàn ngành đổ vỡ.

Trong khi đó, ôngTrần Quốc Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh lại cho rằng, ngành BĐS hiện đang trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin, do những sai phạm của một số doanh nghiệp, dẫn đến bị khới tố, bắt bớ.

ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh

Ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị NHNN cần sớm giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu mua bán BĐS - Ảnh: Đình Đại.

Ông Dũng cho rằng, sự thay đổi đột ngột về chính sách, khi thị trường chưa kịp “thẩm thấu” và việc siết chặt tín dụng sau đó cũng làm cho các nhà đầu tư thêm bất an, khủng hoảng niềm tin đã dẫn đến những ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Ông cho rằng, những khoản chênh lệch lớn (nếu có) cũng chỉ nằm ở các nhà đầu tư thứ cấp, họ mua đi, bán lại sang tay đẩy giá lên cao để hưởng lợi. Đây không phải là lợi nhuận của nhà đầu tư.

“Để vực dậy ngành BĐS, để lấy lại niềm tin từ khách hàng, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có những giải pháp để kiểm soát thành phần này, kiểm soát các kênh thứ cấp. Chúng tôi sẵn sàng bán không lợi nhuận các dự án, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là gây dựng lại niềm tin cho thị trường", ông Dũng khẳng định.

Từ những khó khăn của thị trường BĐS, ông Dũng mong muốn những chính sách khoanh nợ, giãn nợ…cần sớm được triển khai, các ngân hàng cần vào cuộc ngay để kích thích nhu cầu, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm giảm lãi suất đế thúc đẩy nhu cầu mua bán BĐS.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, NHNN đã thực hiện chính cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp các doanh nghiệp BĐS có thời gian trả nợ và vẫn được vay vốn như bình thường.

ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCMp/- Ảnh: Đình Đại.

Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM - Ảnh: Đình Đại.

Theo ông Lệnh, NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường nguồn vốn tốt nhất cho doanh nghiệp BĐS. Đối với các dự án có đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Các ngân hàng cũng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án BĐS theo từng phân khúc để có giải pháp cho vay phù hợp.

“Giải pháp đảm bảo cung ứng tốt nhất nhu cầu vốn thì sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đang thực hiện triển khai gói cho vay 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ động của mình để cho vay. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà xã hội 8,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mềm cho kỳ hạn vay trung dài hạn. Nhưng nếu so với lãi suất 5% của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn cao”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, để hỗ trợ cho người dân thì phải có giải pháp tổng thể như phải có chính sách bù lãi suất như Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Nhưng mấu chốt là phải có nguồn cung, phải có dự án nhà ở xã hội hay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ thì ngân hàng mới có thể cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bắt đúng bệnh” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

    “Bắt đúng bệnh” để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

    11:11, 27/04/2023

  • Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản chờ “giải cứu”

    Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản chờ “giải cứu”

    10:00, 27/04/2023

  • Cơ hội đầu tư bất động sản trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm

    Cơ hội đầu tư bất động sản trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm

    05:00, 26/04/2023

  • Đại hạ giá bất động sản phát mại

    Đại hạ giá bất động sản phát mại

    03:00, 26/04/2023

  • Doanh nghiệp bất động sản phía Nam đang toan tính gì?

    Doanh nghiệp bất động sản phía Nam đang toan tính gì?

    03:00, 26/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các giải pháp vực dậy thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO