Bình luận

Cần sớm điều chỉnh bất cập của thuế thu nhập cá nhân

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 04/08/2024 04:00

Để tránh tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế trước những quy định đã lỗi thời, không ít ý kiến cho rằng, bất cập của thuế thu nhập cá nhân cần sớm được điều chỉnh thay vì chờ sửa luật…

Theo quy định hiện hành, mức khởi điểm của đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ này được áp dụng từ năm 2020, trong khi từ đó đến nay, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng rất nhanh, thậm chí có mặt hàng còn tăng nhanh hơn thu nhập của người lao động.

can-som-dieu-chinh-bat-cap-cua-thue-thu-nhap-ca-nhan-24.5.2.1.jpg
Những quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân khiến nhiều người băn khoăn khi mức lương cơ sở vừa mới tăng 30% từ ngày 01/7 - Ảnh minh họa

Đáng nói, những quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân còn khiến nhiều người băn khoăn khi mức lương cơ sở vừa mới tăng 30% từ ngày 01/7, kéo theo đó, không ít trường hợp sẽ thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng chưa phản ánh đúng thực chất về chất lượng cuộc sống của người nộp thuế.

Thực tế, tại Báo cáo tài chính - kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2024 gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, để bảo đảm chất lượng tăng trưởng và duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô, một trong những giải pháp cần thực hiện là nghiên cứu khả năng tăng thu nhập khả dụng cho người dân nhằm thúc đẩy cầu tiêu dùng tư nhân thông qua điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, do lạm phát trong 10 năm gần đây được kiểm soát tốt và khó tăng ở mức 2 con số, trong khi sinh kế người dân gặp khó khăn.

can-som-dieu-chinh-bat-cap-cua-thue-thu-nhap-ca-nhan-24.5.2.2.jpg
Trong bối cảnh khó khăn bủa vây người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm giải quyết những bất cập của thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là việc nâng mức giảm trừ gia cảnh - Ảnh minh họa

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thời điểm ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung năm 2012, CPI có biến động mạnh từ năm 2008 - 2013, có năm tăng trên 20%. Từ năm 2014 đến nay, mục tiêu ổn định vĩ mô luôn được ưu tiên trong điều hành của Chính phủ, nên CPI hàng năm tăng dưới 4,5%. Từ tháng 7/2020 (thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14) đến nay, CPI chỉ tăng 12%, nhưng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có giá thay đổi thường xuyên (thực phẩm, giao thông...), khó có thể phản ánh đầy đủ trong mức tăng chung của CPI. Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng giảm, biến động tỷ giá, lãi suất đã tác động trực tiếp đến sinh kế người dân.

Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, động lực để tăng lương là nhằm cải thiện đời sống cho người dân, nếu tăng lương mà bị chịu thuế, làm giảm đời sống đi thì tăng lương không có ý nghĩa… do đó việc sửa bất cập thuế thu nhập cá nhân là chính đáng và cần làm càng sớm càng tốt, nếu để qua đi sẽ mất động lực, giảm sút niềm tin của người dân.

Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, sau 15 năm thực hiện, Luật Thuế thu nhập cá nhân ngày càng bộc lộ nhiều điểm bất cập, trong đó, mức giảm trừ gia cảnh và quy định về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng trên 20% không còn phù hợp với mức sống tăng cao, giá thuê nhà, giá nhà ở, viện phí, học phí và nhiều khoản chi đều tăng mạnh trong thời gian qua. Nếu giữ mức giảm trừ gia cảnh như vậy, người lao động đến mức chịu thuế sẽ không còn tích lũy để dự phòng rủi ro và mua nhà ở.

Mặt khác, trong lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc kích cầu tiêu dùng đang là một trọng điểm trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên cần xem xét ngay việc tăng mức giảm trừ gia cảnh để thêm nguồn thu nhập, giúp tăng khả năng chi tiêu của người dân.

“Trong lúc chưa sửa được Luật Thuế thu nhập cá nhân một cách toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ban hành một nghị quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh. Mức tăng cần được tính toán thận trọng dựa vào những căn cứ có ý nghĩa thực tế và trên cơ sở thông lệ quốc tế”, ông Long đề xuất.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các bất cập của thuế thu nhập cá nhân khiến thuế suất này cao hơn mức thuế thu nhập cá nhân của nhiều nước trong khu vực trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp. Vì vậy, Bộ Tài chính, Chính phủ cần xem xét chỉnh sửa ngay chứ không phải kéo dài thêm hay chờ theo lộ trình sửa luật.

Những vấn đề nan giải của thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh không phải câu chuyện mới, cho đến nay, đã không ít lần gây “nóng” nghị trường của Quốc hội tại các kỳ họp thường niên, và Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu, xem xét, tuy nhiên, cho đến nay mọi vấn đề vẫn đâu hoàn đó khiến gánh nặng của người nộp thuế ngày một gia tăng. Trong khi đó, mức thu của sắc thuế này không ngừng tăng.

Thực tế, báo cáo kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thuế cho thấy, so với cùng kỳ năm trước số thu tăng 15,3%. Có 12/21 khoản thu sắc thuế đạt trên 55% dự toán như: thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 68,9%, thuế thu nhập cá nhân ước đạt 61,9%, thu khác ngân sách ước đạt 63,4%,...

Đáng chú ý, trong số các khoản thu, sắc thuế thu nội địa, số thu từ thuế thu nhập cá nhân nửa đầu năm nay đạt 99.748 tỷ đồng, vượt số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tới 837 tỷ đồng. Còn nhìn tiền thu thuế thu nhập cá nhân 10 năm trở lại đây, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, số thu thuế thu nhập cá nhân đã cao hơn gấp hai lần số tiền thu từ sắc thuế này của năm 2014, nhiều hơn của cả năm 2018.

Vì vậy, trong bối cảnh người nộp thuế còn nhiều khó khăn, việc giải quyết những bất cập, tồn tại của thuế thu nhập cá nhân, nhất là mức giảm trừ gia cảnh cần sớm được xem xét, sửa đổi thay vì chờ đợi đúng lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sớm điều chỉnh bất cập của thuế thu nhập cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO