Việc hình thành và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn là rất cần thiết, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
>>>Đề xuất mô hình điểm logistics cộng đồng gắn với vùng nguyên liệu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới, có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. Vùng này đóng góp 1/3 GDP ngành nông nghiệp cho Việt Nam. Trong đó, TP. HCM luôn đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy kết nối – tiêu thụ đầu ra cho các nguyên liệu tại các địa phương. Tuy nhiên, việc kết nối, liên kết vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa đi theo định hướng chung có chiều sâu và chưa phát huy hết tiềm năng vốn có của các địa phương này cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TP. HCM.
Trao đổi tại hội thảo “Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế” do thành phố Cần Thơ tổ chức (nằm trong khuôn khổ sự kiện Mekong Connect 2022), bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nhận định, thực tế, các tỉnh ĐBSCL đều có lợi thế rất lớn trong sản xuất nông nghiệp nhưng tình trạng chung là nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém vì rất thiếu hệ thống kho lạnh, kho bảo quản.
Theo thống kê, hiện ĐBSCL chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của khu vực phía Nam và hệ thống kho lạnh được phân bố nhiều nhất tại Long An và một số ít tại Cần Thơ và Hậu Giang. Hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu khiến chi phí logistics rất cao, trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng.
Thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa dự báo phân tích thị trường kịp thời về sản lượng và giá bán; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, khiến cho tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên, tỷ lệ tổn thất nông, thủy sản sau thu hoạch đang ở mức rất cao. Đặc biệt, đại dịch vừa qua bộc lộ thêm một số hạn chế về chuỗi cung ứng, mang tính chất phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thương lái thu mua.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, việc xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm nông sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, các nhà vận chuyển, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị bền vững.
>>>Kiên Giang: Hình thành vùng nguyên liệu tập trung
Hiện nay Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều đề án, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung và giai đoạn 2024 – 2025 sẽ mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics).
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025 tại Cần Thơ với mục tiêu chính là hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ,...
Bà Kim Chi cho biết, TP. HCM và các địa phương nằm trong quy hoạch phát triển của Đề án cần chủ động báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch chủ trì, hỗ trợ kết nối với các tỉnh, thành nằm trong vùng Đề án này trong thời gian tới để phối hợp khảo sát thực tế, hỗ trợ định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm chủ lực. Đồng thời, nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp TP. HCM mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tại các tỉnh với vai trò là doanh nghiệp đầu ngành.
Trước mắt, trong thời gian chờ cơ chế từ Trung ương thì từng địa phương nên có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư hoặc liên kết đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến nông thủy sản, kho lạnh phục vụ bảo quản, dự trữ nguyên liệu…Cần đẩy mạnh tổ chức hiệu quả hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL và ngược lại.
Để tạo nên chuỗi liên kết bền vững, bà Ngô Tường Vy – TGĐ Công ty CP Tập đoàn XNK Chánh Thu phân tích: Xây dựng chuỗi liên kết bền vững và tạo vùng nguyên liệu đạt chuẩn đối với các sản phẩm nông nghiệp là điều kiện quan trọng tạo bàn đạp cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới. Ngành nông nghiệp và các địa phương nên áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ, trái cây chất lượng cao; tạo cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục được những hạn chế và tồn tại của lĩnh vực nông nghiệp như sản phẩm nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác liên kết.
Có thể bạn quan tâm