Ngay sau khi chính phủ Trung Quốc quyết định nới lỏng chính sách zero-COVID, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra nhiều dự báo tích cực về triển vọng kinh tế 2023.
>> Nới lỏng zero- COVID, Trung Quốc sắp mở cửa nền kinh tế
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, chỉ sau Mỹ, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Xét về quy mô thương mại, Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; còn nói về tính chất thương mại, doanh nghiệp Việt Nam rất khó dứt khỏi chuỗi cung ứng dồi dào, giá rẻ sát biên giới. Do vậy, việc nắm rõ các thay đổi ở Trung Quốc là thông tin gối đầu giường.
Các địa phương ở Trung Quốc nhận được chỉ thị không tùy tiện mở rộng vùng cách ly. Người dân không phải xét nghiệm đồng loạt. Người mắc COVID-19 có thể cách ly tại nhà nếu triệu chứng không nguy hiểm. Hoạt động xã hội và các dịch vụ y tế cơ bản phải diễn ra bình thường, không hạn chế đi lại hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh ở khu vực rủi ro thấp.
Trùng Khánh, trung tâm kinh tế đồ sộ, đã khôi phục 80% hoạt động thương mại. Có thể nói rằng, việc một người dân thành phố này có thể đi lại mua sắm bình thường là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang kết nối trở lại. Còn tại thủ đô Bắc Kinh, phần lớn quầy xét nghiệm đã đóng cửa do chính quyền không còn yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính khi di chuyển.
Trước thông tin trên, thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận đà vọt lên của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại New York, NASDAQ, AMEX (Mỹ). Các chỉ số chứng khoán của sàn Thượng Hải và Hồng Kông cũng đồng loạt tăng điểm trong tuần trước, với mức tăng lần lượt là 1,76% và 6,27%. Đồng Nhân dân tệ cũng ghi nhận sự tăng giá so với đô la Mỹ.
Các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ đảm đương một khối lượng hàng hóa thiết yếu cung cấp cho toàn cầu, qua đó giảm đà lạm phát - nếu lạm phát ổn định thì FED sẽ điều chỉnh lãi suất đi xuống, giải tỏa áp lực thắt chặt tiền tệ tại các ngân hàng trung ương khác.
Các hoạt động thương mại biên mậu với Việt Nam cũng đã dần “ấm” lại, các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai ghi nhận khối lượng thông quan hàng nghìn lượt xe mỗi ngày, triển vọng bình thường hóa từ đầu năm 2023. Từ ngày 9/12, Hàng không Việt Nam nối lại 3 đường bay đến các trung tâm sầm uất ở Trung Quốc như Thâm Quyến, Thượng Hải.
>> Vì sao Trung Quốc bắt đầu nới lỏng zero- COVID?
Thị trường Trung Quốc hấp dẫn nhưng ngày càng khó lường khi gần đây chính phủ Trung Quốc bắt đầu nâng dần tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Nhiều khả năng sau đợt mở cửa trở lại sẽ kèm theo thách thức, nhưng không ít cơ hội.
Đầu tiên, thị trường du lịch Việt Nam sẽ đón lượng khách không hề nhỏ từ Trung Quốc. Trung bình giai đoạn 2015-2021, mỗi năm du khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng số lượng khách quốc tế đến nước ta du lịch. Kể cả trong giai đoạn COVID-19, khách du lịch từ Trung Quốc có lúc chiếm tới 43,5%. Du lịch kéo theo giao thông vận tải.
Theo nghiên cứu của Công ty chứng khoán Rồng Việt, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu triển vọng nhất của Việt Nam trong năm tới. Ngược lại, các thị trường Mỹ, EU, Anh là không khả quan. Trong khi đó, thương mại Việt Nam và các nước nội khối ASEAN được đánh giá ở mức “vừa phải”.
Một trong những ngành hàng được chờ đợi là thủy sản. Trung Quốc luôn là quốc gia tiêu thụ cá tra và tôm lớn nhất thế giới, việc tiêu dùng bị thắt chặt trong gần ba năm dịch khiến nhu cầu sụt giảm mạnh trong khi tồn kho ở mức thấp. Nay, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào quốc gia này.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đem lại lối thoát cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu đơn hàng, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và da giày, gỗ. Hiện tại, sức mua tại châu Âu, Mỹ gần chạm đáy do lạm phát, chiến sự Nga - Ukraine, người dân thắt chặt chi tiêu, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho còn nhiều.
Tựu trung lại, tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều thuận lợi nhờ chi phí logictics rẻ hơn, tiêu chuẩn chất lượng không quá ngặt nghèo. Ngược lại, đối tác Trung Quốc đóng vai trò là nhà cung ứng tốt nhất cho doanh nghiệp phía Việt Nam, đặc biệt là ngành điện tử, linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.
Tuy nhiên, mỗi khi kinh tế Trung Quốc phục hồi, thị trường Việt Nam đón nhận áp lực cạnh tranh cực lớn. Bởi doanh nghiệp Trung Quốc luôn có khả năng sản xuất nhanh, năng suất cao, khối lượng lớn; mẫu mã biến hóa, giá cả rất phù hợp. Hàng Trung Quốc hoàn toàn có thể đánh bại hàng Việt ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Mỹ và EU dự tính đánh thuế môi trường với nhôm và thép Trung Quốc. Thực tiễn này đặt ra bài toán rất đau đầu với nhà quản lý phía Việt Nam là vừa ngăn ngừa gian lận thương mại, giữ quan hệ song phương hữu hảo; vừa tránh bị đối tác phương Tây liệt vào danh sách cần phòng vệ thương mại.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ phục hồi trước kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh zero Covid
05:21, 08/12/2022
Nhiều doanh nghiệp FDI "tháo chạy" khỏi Trung Quốc vì zero COVID
04:00, 15/10/2022
Thách thức chiến lược zero Covid của Trung Quốc trong năm 2022
03:14, 07/01/2022
Tính khả thi của chiến lược "Zero Covid" mà Trung Quốc kiên quyết theo đuổi
05:00, 23/11/2021