Nhiều chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần phát huy vai trò cầu nối ra biển của khu vực miền Trung- Tây Nguyên và các nước lân cận.
Để làm được điều này, Đà Nẵng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu vận chuyển đường biển.
Đà Nẵng nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, là cửa ngõ của cả miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng là điểm cuối trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa thực sự phát huy tốt lợi thế của mình.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững ở lĩnh vực hàng hải, Đà Nẵng cần triển khai các dự án trong sợi dây liên kết kinh tế, đặt biệt là cảng Liên Chiểu.
Ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản & Thương mại Thuận Phước, nhận định Đà Nẵng đã nói rất nhiều về việc địa phương là cầu nối quan trọng nhất của hành lang kinh tế Đông - Tây nhưng vẫn chưa làm được.
“Để phát huy được vai trò này, Đà Nẵng cần có một cơ chế đặc biệt, rõ ràng, chứ không phải những Nghị quyết chung chung. Sau đó, cần phải luật hóa để Đà Nẵng xác định được làm những gì?. Nếu Đà Nẵng được hỗ trợ nhiều về mặt cơ chế thì sẽ phát huy tốt được vai trò cửa ngõ ra biển, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, chính trị của địa phương”, ông Trần Văn Lĩnh nhấn mạnh.
Với những lợi thế của mình, các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần đẩy mạnh tốc độ hoàn thiện hạ tầng giao thông phục vụ cho kinh tế biển; đặc biệt chú trọng phát triển cảng biển Liên Chiểu đã được quy hoạch, để sớm khớp nối với chuỗi cung ứng của thị trường.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng đã có định hướng phát triển cảng biển. Trong đó, địa phương muốn xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa kết nối logictics ở cuối hành lang kinh tế Đông– Tây. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là cước vận tải biển quốc tế đang tăng mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bởi vì, Việt Nam chỉ sở hữu 10% các đội tàu, nên phụ thuộc rất nhiều vào các đội tàu nước ngoài. Ngoài ra, hạ tầng logictics, các sản phẩm khu công nghệ cao, các sản phẩm công nghệ thông minh của Đà Nẵng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch, cảng Liên Chiểu chỉ mới được Chính phủ phê duyệt kết nối với Quốc lộ 1. Trong khi phần lớn các cảng biển trên thế giới đều có tuyến đường sắt nối cảng biển tới các khu công nghiệp, khu kinh tế để giảm tắc nghẽn giao thông. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cảng Liên Chiểu cần được kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam cũng như tuyến đường sắt nội đô nối cảng với các khu công nghiệp.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2021-2030, Đà Nẵng cần xóa bỏ các “nút thắt” về cơ sở hạ tầng logistics, xây dựng nền tảng phát triển logistics hiện đại, phát triển mạnh mẽ logistics 3PL, phát triển ngành logistics trở thành một trong các ngành có tỷ trọng GDP đáng kế của thành phố, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại và thương mại điện tử vào cung cấp dịch vụ logistics...
Có thể bạn quan tâm