Để khắc phục những hậu quả do COVID-19 gây ra, TP Đà Nẵng lên phương án khôi phục kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 và xây dựng kịch bản cho năm 2022.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng tại Hội nghị "Đối thoại doanh nghiệp" ngày 24/9, việc áp dụng các quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội và một số biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, nhất là trong giai đoạn tháng 8 đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó các biện pháp ngày cũng làm cho giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, các biện pháp căng cơ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trên toàn địa bàn.
Từ số liệu thống kê của TP Đà Nẵng, dịch vụ du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố đã phải chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch COVID-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.074 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,16% so với cùng kỳ 2020.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao đạt 1.827 tỷ đồng, giảm mạnh 88,58% so với cùng kỳ 2020. Giảm 13,4% về số doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giảm 18,2% về số vốn điều lệ đăng ký.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay, thời gian qua địa phương đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 542 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 2.297 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Ước 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2021 đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND thành phố giao. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao.
"Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án của các cấp thẩm quyền liên quan đến các vụ việc trước đây đã phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong thủ tục đất đai đối với các dự án bất động sản, ảnh hưởng nhiều đến việc khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của thành phố", ông Hồ Kỳ Minh cho biết.
Theo ông Minh, trong 9 tháng đầu năm 2021 thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều chỉ số tăng mang lại tín hiệu quả quan cho kinh tế thành phố.
Được biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.066 tỷ đồng (tăng 5,6%), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.306 triệu USD (tăng 14,9%), doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 10.444 tỷ đồng (tăng 6,3%), Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 65,5 triệu USD (tăng 8,6%). Tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) 09 tháng đầu năm đạt 149,135 triệu USD, tăng 27,4 triệu USD.
Về hỗ trợ tín dụng, tổng dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố là 63.352,29 tỷ đồng, chiếm 33,6% tỷ trọng dư nợ. Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế tại cuối kỳ báo cáo (bao gồm gốc, lãi) là 7.030 tỷ đồng với 3.734 khách hàng. Lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm gốc, lãi) là 12.368 tỷ đồng với 6.344 khách hàng.
Dư nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ tại cuối kỳ báo cáo là 3.236 tỷ đồng với 434 khách hàng. Lũy kế tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi là 6.080 tỷ đồng, với số lãi 20,11 tỷ đồng với 772 khách hàng. Giảm lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19 từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay hiện hành.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức khác, ước giảm 77,2 tỷ đồng. Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, ước giảm 25 tỷ đồng. Giảm một số khoản thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đối tượng chịu thuế, ước giảm 50 tỷ đồng. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất trong năm 2021 với số tiền ước giảm 1.088,4 tỷ đồng (trong đó tiền thuê đất là 128 tỷ đồng).
Thông tin từ ông Hồ Kỳ Minh, thành phố hiện đã đáp ứng được các chỉ số phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 1 (bình thường mới). Đà Nẵng cũng dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị 19) từ 01/10 đến 15/10 (để đảm bảo đủ thời gian tạo kháng thể đối với người dân đã tiêm mũi 1), sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.
Đối với mục tiêu trong những tháng cuối năm, TP Đà Nẵng đang phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020. Các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
"Thành phố xây dựng 03 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 03 cấp độ Thấp, Trung bình và Cao. Trong đó, khu vực Công nghiệp - Xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực Dịch vụ, khu vực Nông, Lâm, Thủy sản cơ bản duy trì như những năm trước", Phó Chủ tịch thường thực UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhận định, các chính sách của TP Đà Nẵng thời gian qua áp dụng vào thực tiễn hiệu quả chưa cao. Trong đó, doanh nghiệp cùng người lao động tại các doanh nghiệp vẫn rất khó để tiếp cận được các phương án hỗ trợ.
"Hiện Đà Nẵng có 13 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc triển khai vẫn chưa có hiệu quả. Đồng thời, phía doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc hưởng ứng và tiếp cận, nên triển khai khai thời gian qua rất dè dặt", ông Lương Nguyễn Minh Triết cho hay.
Đối với các kịch bản tăng trưởng cho năm 2022, TP Đà Nẵng cho biết rằng trong kịch bản thấp tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021. Trong đó các khu vực Nông, Lâm, Thủy sản; Công nghiệp - Xây dựng; Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%. Kịch bản trung bình tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021. Trong đó các khu vực Nông, Lâm, Thủy sản; Công nghiệp - Xây dựng; Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%. Kịch bản cao tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021. Trong đó các khu vực Nông, Lâm, Thủy sản; Công nghiệp - Xây dựng; Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%. |
Có thể bạn quan tâm