Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Nhìn “thẳng” để có cơ chế bình đẳng

GIA NGUYỄN thực hiện 03/12/2023 03:30

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP cần nhìn vào thực tế để đưa ra các cơ chế tạo sự bình đẳng cho các loại hình vận tải...

>>Sửa Nghị định 10: Doanh nghiệp vận tải ô tô có được gỡ vướng?

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Mục tiêu chính của việc sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP nhằm “siết” chặt quản lý xe hợp đồng chạy như tuyến có định, ông đánh giá sao về định hướng này?

Nếu mục tiêu của chính sách chỉ để “siết” chặt hoạt động quản lý đối với xe hợp đồng chạy như tuyến cố định, theo tôi thì không nên, bởi hiện nay, các quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP là tương đối chặt chẽ, nếu công tác giám sát quản lý đúng theo những chính sách Nghị định đã đưa ra thì việc xe hợp đồng muốn vi phạm trọng hoạt động dường như là không thể.

Từ đó có thể thấy, vấn đề ở đây không phải do chính sách mà xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước. Vì vậy, có đưa ra quy định “siết” chặt hơn nữa như mỗi xe không được chạy quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và điểm cuối trùng lặp theo địa giới hành chính… chỉ là hình thức mang tính áp đặt, không phải là một giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề.

Trong trường hợp, các quy định đề ra nhằm “khai tử” loại hình vận tải này thì trước tiên nên cân nhắc rà soát, chuẩn bị tất cả các hạ tầng, phương tiên thay thế cần thiết, bởi thị phần của xe hợp đồng đang chiếm 70% trong các loại hình vận tải hành khách bằng ô tô. Nếu đột ngột loại bỏ phương thức vận tải này, sẽ khó có sự thay thế phù hợp, bởi hiện nay từ bến xe cho đến các doanh nghiệp vận tải hành khách truyền thống vẫn chưa có nhiều sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Vì vậy, thay vì đưa ra các chính sách loại bỏ, thì cần các cơ chế cụ thể, định danh cho phương thức vận tải này để đưa vào quản lý sẽ phù hợp với đòi hỏi của thực tế, góp phần thúc đẩy sự hiện đại, văn minh trong vận tải hành khách bằng ô tô.

Nhiều ý kiến cho rằng, xe hợp đồng là tác nhân chính dẫn đến sự lộn xộn, bất bình đẳng trong hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô hiện nay, thưa ông?

Đối với bến xe, muốn thu hút các doanh nghiệp vận tải, hành khách thì cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ phải tốt, trong khi hiện nay, các điều kiện này chưa được đáp ứng, còn cơ chế chính sách thu hút xe vào bến cũng chưa thực sự thuận tiện, thông thoáng… Về phía các nhà xe vận tải hành khách tuyến cố định thì lại chậm, thậm chí lười thay đổi, nhiều xe khách đã cũ, không được chăm sóc, bảo dưỡng thường xuyên; thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe thiếu chuyên nghiệp;… thì liệu hành khách có lựa chọn sử dụng?

Chưa kể, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định cũng còn đó không ít rào cản, kìm hãm sự phát triển như không được tự quyết định các “lốt” xe dẫn tới việc muốn truyền thông, quảng bá, đưa ra các chính sách khuyến khích, kích cầu để thúc đẩy phát triển cũng không phải dễ vì thiếu tính tự chủ…

Vì vậy, sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP cần tập trung tạo cơ chế cởi mở, thông thoáng hơn cho phương thức vận tải hành khách truyền thống. Bởi, đây chính là một trong những “nút thắt” khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn chứ không phải tác nhân của sự ra đời các loại hình vận tải khác.

p/Vấn nạn xe hợp đồng “trá hình” vẫn vô cùng nhức nhối, dù Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã đưa ra không ít quy định “siết” chặt.

Vấn nạn xe hợp đồng “trá hình” vẫn vô cùng nhức nhối, dù Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã đưa ra không ít quy định “siết” chặt.

Vậy, để tạo cơ chế bình đẳng cho các loại hình kinh doanh vận tải, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

Thứ nhất, đối với bến xe phải cần có một cuộc thay đổi hạ tầng, chất lượng dịch vụ, và để đạt được mục tiêu này, cần phải có các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vận tải hành khách bằng tuyến cố định vào bến.

Thứ hai, trong sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Bộ Giao thông vận tải cần nên bám mục tiêu chính vào vận tải hành khách tuyến cố định để tạo thành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thật thuận lợi cho loại hình này. Khi doanh nghiệp có một cơ chế, chính sách rõ ràng, họ sẽ tự chủ xây dựng phương án và tính nguồn đầu tư, sẵn sàng đầu tư vào cơ chế hạ tầng bến bãi, nâng cao chất lượng phương tiện, tính chuyên nghiệp cho lái xe và phục vụ…

Thứ ba, đối với xe hợp đồng thì cần mở ra thay vì “siết” lại, quan trọng là Nhà nước có một cơ chế quản lý, giám sát phù hợp. Thực tế hiện nay, việc quản lý các phương tiện này rất dễ, bởi hầu hết đều được tích hợp công nghệ, chúng ta không cần tính đến 30% hay 10% điểm đầu – điểm cuối, mà chỉ cần toàn bộ các tỉnh, thành kết nối dữ liệu giao cho thanh tra giao thông tại địa phương, từ đó sẽ quản lý camera hành trình phương tiện, hành khách,… sau đó báo cáo về Cục hay Bộ. Nếu các xe làm sai thì thu phù hiệu, thu giấy phép thì doanh nghiệp nào cũng sẽ chấp hành… không nhất thiết phải đưa ra những nội dung như Dự thảo, sẽ rất khó áp dụng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Biện pháp nào “dẹp”p/xe hợp đồng “trá hình”?

    Biện pháp nào “dẹp” xe hợp đồng “trá hình”?

    15:04, 05/10/2023

  • Làm thế nào xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình?

    Làm thế nào xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình?

    11:01, 17/03/2023

  • Sửa Nghị định 10: Doanh nghiệp vận tải ô tô có được gỡ vướng?

    Sửa Nghị định 10: Doanh nghiệp vận tải ô tô có được gỡ vướng?

    11:00, 25/09/2021

  • Bộ GTVT chỉ đạo “nóng”, Nghị định 10/2020 có được… thực thi?

    Bộ GTVT chỉ đạo “nóng”, Nghị định 10/2020 có được… thực thi?

    04:50, 02/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Nhìn “thẳng” để có cơ chế bình đẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO