Dù thị trường chứng khoán (TTCK) có thể tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trong thời gian trước mắt, nhưng sẽ có diễn biến tích cực vào quý IV/2023.
>>>Bối cảnh vĩ mô và những tác động đến thị trường chứng khoán
Sau 1 xu hướng tăng điểm khá tốt của TTCK kể từ đầu năm 2023 khi VN-Index bật tăng từ khu vực 1.050 điểm lên vùng 1.240 – 1.250 điểm vào giai đoạn cuối tháng 8/2023, TTCK có thể đã bước vào chặng nghỉ ngắn hạn trong phần lớn thời gian tháng 9/2023.
Diễn biến kinh tế vĩ mô thế giới đang cho thấy lạm phát các nước phát triển, như Mỹ, châu Âu và châu Á đang ở khu vực vùng đỉnh. Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa mức lãi suất cơ bản lên 4% - cao lịch sử từ giai đoạn 1999 với mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng cao. Lạm phát Mỹ tháng 8 cũng đang cho thấy tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nhưng dường như FED sẽ không tăng lãi suất trong tháng 9 như đánh giá của giới chuyên môn. Tuy nhiên, kịch bản tăng thêm lãi suất 0,25% có thể cũng sẽ được tính đến trong kỳ họp tháng 11/2023.
Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, lạm phát tăng, các chỉ số chứng khoán thế giới, cụ thể như Dow Jones vẫn tăng vượt mức 35.300 điểm hướng lên khu vực đỉnh 37.000 điểm mà chỉ số này đã thiết lập trong giai đoạn đầu năm 2022. Các TTCK châu Á cũng có mức biến động tăng mạnh hơn so với các TTCK châu Âu khi mà niềm tin nhà đầu tư cũng như tình hình vĩ mô đang ảnh hưởng đến diễn biến và xu hướng TTCK trong năm nay.
Bất chấp chiến sự Nga – Ukraine hay tình hình lạm phát thế giới, xu hướng giảm lãi suất cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, dòng tiền, thanh khoản đang khiến niềm tin nhà đầu tư vào TTCK tăng lên. Do đó, diễn biến TTCK có thể nói tốt hơn kỳ vọng của đám đông nhà đầu tư khi hồi phục hơn 200 điểm tính từ đầu năm 2023. VN-Index có mức tăng điểm tốt nhất khu vực Châu Á trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu có mức tăng giá từ vùng đáy ấn tưởng, như nhóm cổ phiếu ngành Dịch vụ tài chính (79,6%), hóa chất (40,32%), công nghệ thông tin (30%), tài nguyên cơ bản (30,04%) và dầu khí (27,27%).
>>>Dòng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu chứng khoán
Mức tăng điểm ấn tượng của các chỉ số chứng khoán và các cổ phiếu cơ bản đã phản ánh giá trị giao dịch, thanh khoản của thị trường và cụ thể là sự tham gia mạnh của dòng tiền đầu tư. Các phiên giao dịch thanh khoản tỷ USD đã quay trở lại, niềm tin nhà đầu tư cải thiện, cơ hội đầu tư trên TTCK lại lớn hơn bao giờ hết.
Quá trình tăng điểm tích cực của TTCK cuối cùng vẫn phải nhường chỗ cho giai đoạn “tạm nghỉ” khi TTCK đã bước vào pha tích lũy và vận động trong biên độ hẹp trên vùng trợ mạnh 1.200 – 1.215 điểm và nằm dưới kháng cự mạnh 1.240 – 1.250 điểm. Để thấy rõ diễn biến điều chỉnh này thì chúng ta có thể theo dõi diễn biến của các nhóm cổ phiếu VN30 cũng như nhóm cổ phiếu “dẫn sóng” như nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Các chỉ số đã bắt đầu giai đoạn điều chỉnh giảm với các phiên tăng/giảm đang đan xen nhau trong bối cảnh dòng tiền phân hóa mạnh, chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản sang những cổ phiếu đặc thù như nhóm cổ phiếu thép, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, tiện ích… Diễn biến phân hóa diễn ra mạnh mẽ hơn trong tháng 9 với việc “đi ngang” của các chỉ số chứng khoán chủ chốt. Tuy nhiên, một số cổ phiếu nhiều tiềm năng vẫn có thể đi ngược TTCK để tăng điểm.
Diễn biến điều chỉnh của chỉ số VN-Index trong tháng 9 vẫn chỉ là tạm thời với xu hướng tăng vẫn là chủ đạo trong bức tranh lớn hơn. Triển vọng kinh tế vĩ mô có thể cải thiện hơn, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm 2023 khi các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp được giải ngân, số liệu xuất nhập khẩu tích cực hơn cũng như hoạt động đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.
Việc VN-Index tích lũy để chuẩn bị cho 1 giai đoạn tăng điểm hướng lên 1.280 – 1.300 điểm trong quý IV/2023 sẽ là kịch bản dễ xảy ra hơn cả. Dù thế nào đi nữa thì nhà đầu tư vẫn chú ý đến việc quản lý danh mục đầu tư – vẫn có thể nắm giữ các cổ phiếu với tầm nhìn đến cuối quý IV/2023, trong khi thận trọng giao dịch ngắn hạn ở các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản… Việc quan tâm đến các cổ phiếu riêng lẻ vẫn được quan tâm hơn so với việc theo sát TTCK chung sẽ là bước tiếp cận phù hợp với số đông nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Bối cảnh vĩ mô và những tác động đến thị trường chứng khoán
04:50, 27/09/2023
“Bắt mạch” cổ phiếu chứng khoán
16:27, 26/09/2023
Tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán
05:30, 25/09/2023
Áp lực của thị trường chứng khoán trước tình hình biến động quốc tế
05:15, 26/09/2023
Chứng khoán “đuối sức”
04:48, 23/09/2023
Tòa phúc thẩm chứng khoán của Ấn Độ và gợi mở cho Việt Nam
11:30, 20/09/2023