Mặc dù có nhiều khó khăn do COVID-19, nhưng có gần 80% các công ty công nghệ tài chính (Fintech) ở ASEAN cho biết đang tiếp tục kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới.
Đó là thông tin này từ Báo cáo FinTech ở ASEAN do Ngân hàng UOB, Công ty PwC và Hiệp hội FinTech Singapore thực hiện.
Ngoài các doanh nghiệp Fintech ASEAN, theo báo cáo nói trên, có tới 69% các doanh nghiệp Fintech ngoài ASEAN cũng đang mở rộng hoạt động ở khu vực này. Sự lạc quan này đến từ xu hướng số hóa trong ASEAN giữa bối cảnh dịch bệnh, với hơn 40 triệu người dùng Internet mới mỗi năm và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới khi các dịch vụ số như chợ online trở nên phổ biến.
Xu hướng chung này tạo cơ hội cho các công ty Fintech trong khu vực ASEAN cung cấp cho người dân những giải pháp tài chính số trong các lĩnh vực, như thanh toán hay cho vay. Một cách thức mà các công ty Fintech có thể mở rộng dịch vụ trong ASEAN là thông qua việc hợp tác với các ngân hàng để kết hợp lợi thế của hai bên, bao gồm các điểm dịch vụ khách hàng của ngân hàng cũng như năng lực công nghệ của các công ty tài chính.
Bà Janet Young, Giám đốc Kênh dịch vụ và Số hóa tập đoàn, Ngân hàng UOB cho biết: “Khi các công ty Fintech trong ASEAN tiếp tục mở rộng hoạt động, việc hợp tác là thiết yếu trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững trong bối cảnh những yêu cầu về pháp lý và vận hành đa dạng ở các nước. Tận dụng được thế mạnh bổ sung của việc hợp tác cũng sẽ cho phép các công ty Fintech tiếp cận nhiều khách hàng hơn, và hỗ trợ cho khách hàng trong công việc, vui chơi, và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ví dụ, việc hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng và công ty Fintech trong ASEAN đã mang lại công nghệ tốt nhất, cũng như năng lực chuyên môn cao nhất. Điều này dẫn tới sự ra đời của các giải pháp sáng tạo giúp dịch vụ ngân hàng đơn giản hơn, và dễ tiếp cận hơn trong toàn ASEAN”.
Đáng chú ý với việc Singapore là thị trường nhiều kinh nghiệm nhất về Fintech trong ASEAN, vốn đầu tư cho các công ty Fintech Singapore khá đa dạng trong các lĩnh vực, như cho vay, thanh toán, công nghệ ngân hàng... Ở các thị trường ASEAN khác, đầu tư vào giải pháp thanh toán tiếp tục chiếm chủ đạo với những kỳ vọng về việc áp dụng và sử dụng các giải pháp thanh toán số.
Bà Wong Wanyi, Trưởng Bộ phận FinTech, tổ chức PwC Singapore, cho biết: “Năm ngoái, Singapore tiếp tục thu hút nhiều đầu tư nhất và vẫn tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong ASEAN về Fintech. Sở dĩ như vậy do hệ sinh thái hiệu quả, hợp tác và hỗ trợ của nước này. Ví dụ, những chính sách khuyến khích của Chính phủ Singapore và các hiệp hội như Hiệp hội FinTech Singapore cũng như văn hóa khởi nghiệp và chia sẻ tri thức đã giúp đẩy nhanh sự phát triển của lĩnh vực này. Những công ty Fintech ở Singapore đang đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển nhân tài trong lĩnh vực này. Sự vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, và nhân sự tài năng là nguyên nhân chính đảm bảo thành công cho một trung tâm Fintech ở Singapore”.
Ngoài ra, Báo cáo cũng nhận định, các công ty FinTech trong ASEAN lạc quan về tương lai bất chấp dịch bệnh. Theo đó, có khoảng 2/3 (65%) số các công ty này cho rằng dịch bệnh không ảnh hưởng hoặc thậm chí ảnh hưởng tích cực tới việc gọi vốn trong tương lai của họ (65%), và tới đầu tư giai đoạn sau (62%). Đa số các công ty FinTech ở Asean (87%) cho biết họ đang đi đúng kế hoạch để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau dịch, tập trung vào sáng tạo sản phẩm và tăng trưởng doanh thu trong năm tới.
Có thể bạn quan tâm