Kể từ khi thành lập, chưa bao giờ Alibaba phải đối mặt với những bất ổn như thời điểm này khi có một chiến dịch của chính phủ Trung Quốc nhắm vào các công ty công nghệ hàng đầu nước này.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường của Trung Quốc (SAMR) đã mở một cuộc điều tra đối với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba về các hoạt động độc quyền bị cáo buộc, khi Bắc Kinh thắt chặt giám sát các công ty công nghệ có ảnh hưởng của đất nước.
Alibaba bị cáo buộc đã gây áp lực buộc người bán phải chọn dịch vụ của mình, thay vì để họ hoạt động với nhiều nền tảng. Alibaba hiện đang cạnh tranh với các công ty như JD.com và Pinduoduo trên thị trường.
Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc - cho biết họ sẽ “làm việc” với Ant Group, chi nhánh tài chính của Alibaba, để thảo luận về cách thức hoạt động của công ty, theo hướng coi trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Tất nhiên là Ant Group cũng đã tuyên bố công khai, cho biết rằng họ “sẽ nghiêm túc nghiên cứu và tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các yêu cầu quy định và cam kết nỗ lực hoàn thành tất cả các công việc liên quan”.
Có thể nói, các nhà chức trách của chính quyền Tập Cận Bình đã phá hỏng giáng sinh của Alibaba. Chỉ trong vòng một ngày, cổ phiếu của họ giảm 8,13% xuống 228,2 HKD vào sáng thứ năm tại Hồng Kông và 3,42% xuống 247,42 USD trong giao dịch kéo dài tại Mỹ. Kéo theo một loạt các ảnh hưởng đến các công ty con của họ.
Theo một ước tính sơ bộ, các nhà đầu tư đã xóa sạch khoảng 9%, tương đương 60 tỷ USD, khỏi giá trị thị trường của “gã khổng lồ” thương mại điện tử.
Ở Trung Quốc, Jack Ma là người có sức hấp dẫn và lôi cuốn, một nhà vô địch tự thân về kinh doanh và đổi mới. Đồng thời ông còn là một thần tượng của rất nhiều doanh nhân trẻ ham muốn con đường lập nghiệp bằng công nghệ và kinh doanh.
Nhưng giờ đây, hành động bất ngờ từ các cơ quan quản lý của Trung Quốc là động thái “nắn gân” trong chiến dịch nhắm vào các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, những công ty có vị trí thống lĩnh trong nhiều lĩnh vực. Đây có thể được coi như một lời cảnh báo kín đáo đối với Jack Ma và những người khác.
Có lẽ Alibaba là kẻ đầu tiên sẽ phải gánh chịu các đòn tấn công sau khi Jack Ma “công khai thách thức” các nhà quản lý và hệ thống tài chính truyền thống trong một bài phát biểu tại Thượng Hải vào tháng 10 vừa qua.
Thời điểm đó, Jack Ma bày tỏ sự thất vọng về chính quyền Bắc Kinh sau khi các quan chức đã đình chỉ IPO của chi nhánh công nghệ tài chính Ant Group của Alibaba, được kỳ vọng là niêm yết lớn nhất thế giới tại Hồng Kông và Thượng Hải.
Một số người kết luận rằng đã có một “cuộc đàn áp” với Ant Group và Jack Ma, các quan chức của Tập Cận Bình dường như dành điều gì đó cho Alibaba và Ant, những thứ có lẽ sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ với họ.
Tuần này, Ant Group đã phải loại bỏ các sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn chịu lãi suất tương tự trong nỗ lực tuân thủ quy định của đất nước sự giám sát ngày càng chặt chẽ đối với lĩnh vực Fintech. Huabei của Ant Group, một trong những dịch vụ cho vay tiêu dùng của công ty, cũng hạ giới hạn tín dụng cho một số người vay trẻ tuổi để “thúc đẩy thói quen chi tiêu hợp lý hơn”.
Điều đó đang khiến các nhà đầu tư tin rằng, có một cuộc tấn công vào đế chế mà Jack Ma xây dựng, vốn chỉ mới bắt đầu mở rộng sang trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và truyền thông kỹ thuật số.
Mới đây, Bloomberg đưa tin, Jack Ma được chính phủ Trung Quốc khuyên ở lại trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Trung Quốc lo sợ Tencent và Alibaba?
06:40, 24/12/2020
Alibaba và cuộc cạnh tranh quyết liệt với Pinduoduo
05:07, 16/10/2020
Alibaba và “cú chuyển mình” lạ lẫm
05:27, 17/09/2020
Alibaba toan tính gì khi đầu tư 3 tỷ USD vào Grab?
04:10, 15/09/2020
Alibaba dừng kế hoạch đầu tư vào các startup Ấn Độ
04:25, 31/08/2020