Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Kinh tế Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi tích cực nhưng những cơn gió ngược bên ngoài vẫn tiềm ẩn tác động khi cầu suy yếu tạo áp lực giảm xuất khẩu.
>>>Tăng trưởng trước áp lực xuất khẩu giảm: Ứng phó chính sách linh hoạt
Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2023 do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, kinh tế Việt Nam được cải thiện nhưng thách thức tiềm ẩn.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 0,5% trong tháng 4, cải thiện so với mức giảm 2,0% (so với cùng kỳ) trong tháng 3. Sản xuất dệt may, giày dép và sản phẩm da, điện tử, máy tính, điện thoại di động… tiếp tục giảm trong tháng 4 cũng như trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022, thể hiện sự suy yếu hơn xuất khẩu dự kiến. Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm từ 47,7 trong thàng 3 xuống 46,7 trong tháng 4, cho thấy các điều kiện kinh doanh dự kiến tiếp tục chưa cải thiện trong thời gian tới.
Sự suy giảm sản xuất những mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng cho thấy, thương mại hàng hóa quốc tế tiếp tục thu hẹp. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 17,1% so cùng kỳ do sự suy giảm giảm đáng kể trong xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt trong tháng 4, bao gồm điện thoại thông minh (giảm 31% so với cùng kỳ), máy tính (giảm 8%), máy móc (giảm 14%), dệt may (giảm 24%) và giày dép (giảm 10%).
Phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất chiếm khoảng 94% tổng kim ngạch nhập khẩu cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Điều này phản ánh sự suy yếu nhu cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ và EU, hai thị trường mà xuất khẩu giảm tương ứng 22,1% và 14,1% (so với cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, một trong hai động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế là tiêu dùng trong nước tăng trưởng ở mức độ vừa phải khi hiệu ứng cơ sở thấp sau COVID năm 2022 giảm dần. Theo Ngân hàng Thế giới, doanh số bán lẻ ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11,5% (so với cùng kỳ) trong tháng 4, ngang bằng so với tháng 3 năm 2023.
>>>Tăng trưởng trước áp lực xuất khẩu giảm: Nội lực của nền kinh tế
Chiếm gần 80% tổng doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng hóa giảm từ 11,3% trong tháng 3 xuống 9,7% trong tháng 4. Trong khi đó, doanh số bán dịch vụ tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh 19,2%, phần lớn được thúc đẩy bởi sự mở rộng của các dịch vụ du lịch (86% so với cùng kỳ), và dịch vụ lưu trú và nhà hàng (21,1% so với cùng kỳ). Việt Nam đón khoảng một triệu du khách quốc tế trong tháng 4, tăng 10% so với tháng 3.
Sức cầu yếu còn được thể hiện ở tăng trưởng tín dụng giảm tốc, từ 9,9% vào tháng 3 còn 9,2% vào tháng 4. Việc tín dụng chững lại bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào có thể phản ánh khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế.
Ngân hàng Thế giới nhận định: kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Về dài hạn, cần đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chia sẻ với DĐDN, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách nhận định, nền kinh tế từ cuối năm 2022 đến quý I/2023 có rất nhiều dấu hiệu suy giảm kinh tế. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng. Những ưu tiên cần tập trung, theo TS. Nguyễn Quốc Việt là cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
Trong ngắn hạn, các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ phục hồi; chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, quan trọng nhất là tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc-xin”.
Trong trung hạn, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro, đánh giá tác động của các khủng hoảng địa chính trị và đề ra các giải pháp ứng phó, hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng…
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
01:11, 18/05/2023
Thúc tăng trưởng kinh tế: Cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản
13:57, 21/04/2023
Xuất khẩu giảm kéo tăng trưởng kinh tế
04:04, 15/04/2023
Tự chủ việc làm giải quyết tăng trưởng kinh tế
21:53, 13/04/2023
TP.HCM: Cấp bách giải bài toán tăng trưởng kinh tế từ quý 2/2023
11:25, 13/04/2023
TP.HCM: Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt 0,7%
12:00, 01/04/2023
Lãi suất sẽ giảm nửa cuối năm 2023, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế
04:50, 22/01/2023
Hoá giải "ba lực cản" của tăng trưởng kinh tế
04:16, 18/01/2023
Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2023
13:56, 12/01/2023
Chọn lọc đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế
04:00, 19/12/2022
“Bệ đỡ” tăng trưởng kinh tế toàn cầu
12:00, 03/12/2022