Khủng hoảng hay “vũ khí hóa” nền kinh tế?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 08/12/2023 04:30

Nếu các siêu cường triển khai các công cụ của mình quá thường xuyên, điều đó có thể khiến các quốc gia khác phá vỡ trật tự quốc tế hiện tại.

Những mặt trái của kinh tế toàn cầu đang bộc lộ rõ

Những mặt trái của kinh tế toàn cầu đang bộc lộ rõ

>>Kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm 2024?

Khắp nơi đang thảo luận về suy thoái và khủng hoảng kinh tế - đấy chỉ là thuật ngữ thông dụng biểu hiện bằng một vài hiện tượng nhỏ lẻ như lãi suất cao, doanh nghiệp đóng cửa, mất việc làm, thu ngân sách sụt giảm,… Sự thật là hầu hết không hề biết những gì đã diễn ra đằng sau đó.

Trong mọi cuộc khủng hoảng kinh tế, những điều tồi tệ nhất sẽ nổi lên và là đại diện tiêu biểu cho bức tranh chung. Như hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc lên ngôi; do nền kinh tế toàn cầu đã bị “vũ khí hóa” từ lâu, các cường quốc không chịu ngồi lại cùng nhau giải quyết vấn đề.

Ví dụ, Mỹ sử dụng tối đa sức mạnh “mềm” của họ là đồng đô la, hệ thống giao dịch thanh toán quốc tế SWIFT; Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) không ngại ngần công khai các toan tính nhằm duy trì lợi nhuận ở mức cao nhất, bất chấp cơn khát năng lượng.

Mặc dù hàng tỷ người thiếu lương thực nhưng Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ... “nhẫn tâm” để thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc hoãn lại vô thời hạn, hay Ấn Độ tuyên bố tạm ngưng xuất khẩu gạo.

Nghiễm nhiên là rường cột của kinh tế thế giới, song Trung Quốc và Mỹ đã trừng phạt nhau không thương tiếc, chẳng màng đến hậu quả nặng nề mà phần còn lại phải hứng chịu.

Trong khi các nước đang phát triển loay hoay chống lạm phát, suy thoái, mọi động thái điều hành tài chính, tiền tệ phải nhìn về thái độ của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED); trao đổi thương mại phải né tránh “làn đạn” do các nước lớn nhằm vào nhau.

Khủng hoảng kinh tế xảy ra, trong phút chốc mọi cam kết tốt đẹp từng được phát biểu tại các diễn đàn lớn nhỏ bị lãng quên, người ta không còn nhìn thấy hình hài của “toàn cầu hóa”, “tương trợ cùng phát triển”, “cùng nhau đối phó những vấn đề toàn cầu”.

Lũng đoạn và khủng hoảng vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân của nhau. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao rổ tiền tệ quốc tế chỉ có vài đồng tiền mà không phải là “tự do hóa” giao dịch? Ai đã tạo ra nó? Vì mục đích gì?

Hệ thống SWIFT là công cụ để lũng đoạn toàn thế giới

Hệ thống SWIFT là công cụ thanh toán trong nhiều giao dịch trên toàn thế giới

>>"Hé lộ" áp lực kép với kinh tế thế giới

Tất nhiên, mục đích cuối cùng của chi phối tiền tệ là lợi ích, và điều đắng cay là lợi ích này không san sẻ đều cho tất cả. Thực tế có vẻ mâu thuẫn với nỗ lực xây dựng không gian kinh tế, thương mại tự do và rộng mở - vốn là nội dung chủ đạo của mọi Hiệp định Thương mại thế hệ mới.

Về lý thuyết, một công ty ở châu Á có thể làm ăn với bất cứ đối tác kinh tế nào trên toàn cầu, hàng gửi đi, tiền gửi về, nhìn chung có vẻ đơn giản! Nhưng không hề, bạn cần có đồng tiền quốc tế, trong trường hợp này là đô la Mỹ, do FED ấn hành.

Muốn có đô la Mỹ, cần phải quy đổi. Phương thức, số lượng quy đổi, tổ chức, hệ thống quy đổi nằm trong tay Mỹ. Do vậy, bất luận thế nào thì các giao dịch về cả thông tin và dữ liệu tài chính của họ gần như chắc chắn sẽ là gián tiếp và có thể sẽ “đi qua” Mỹ hoặc các tổ chức mà chính phủ Mỹ có quyền kiểm soát đáng kể.

Khi cần trừng phạt đối phương, Washington chỉ cần ngăn chặn giao dịch tiền tệ thì tự khắc mọi hoạt động liên quan đều ngưng trệ. Nói cách khác, trong điều kiện hoạt động kinh tế thông thường, mọi thứ đang diễn ra êm đềm dưới luật chơi của vài cường quốc.

Khi một hoặc một vài quốc gia có ý định thay đổi luật chơi, muốn tự quyết giao dịch thì lập tức mâu thuẫn xảy ra và dẫn đến khủng hoảng. Ví dụ, một số nước Trung Đông từng công khai bán dầu bằng đồng tiền ngoài USD, lập tức vài chính phủ bị lật đổ, chiến tranh đẫm máu, dẫn đến khủng hoảng.

Trung Quốc trỗi dậy tự chủ công nghệ và nhóm BRICS ý định tạo ra đồng tiền riêng, giao dịch trên hệ thống thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ; chiến tranh thương mại Trung - Mỹ kích hoạt, cắt đứt hoàn toàn tuyến thương mại quan trọng nhất.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó, toàn cầu hiện có 420 tuyến cáp quang biển, đa phần “đấu nối” vào Mỹ, đảm nhiệm 99% mạng internet và 10.000 tỷ USD giao dịch. Và khi những dây cáp này đổ bộ vào Mỹ, họ có thể và thực sự giám sát lưu lượng truy cập của chúng - về cơ bản là lập một bản ghi về mọi gói dữ liệu cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia xem dữ liệu.

Do đó, Hoa Kỳ có thể dễ dàng theo dõi những gì hầu hết mọi doanh nghiệp và mọi quốc gia khác đang làm. Nó có thể xác định khi nào các đối thủ cạnh tranh đang đe dọa lợi ích của nó và đưa ra các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa để đáp trả.

Cấm vận kinh tế là phương thức Mỹ thường sử dụng

Cấm vận kinh tế là phương thức Mỹ thường sử dụng

Trong nghiên cứu nổi tiếng “Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế”, hai tác giả Henry Farrell và Abraham Newman viết: “Để bảo vệ nước Mỹ, Washington đã chậm rãi nhưng chắc chắn biến mạng lưới kinh tế thịnh vượng thành công cụ thống trị”.

Và như cuốn sách của họ đã nêu rõ, những nỗ lực thống trị của Mỹ có thể gây ra thiệt hại to lớn. Nếu Washington triển khai các công cụ của mình quá thường xuyên, điều đó có thể khiến các quốc gia khác phá vỡ trật tự quốc tế hiện tại. Tiên lượng này đang xảy ra!

Có thể bạn quan tâm

  • AI có thể cứu vãn suy thoái kinh tế?

    AI có thể cứu vãn suy thoái kinh tế?

    04:30, 26/10/2023

  • Trung Quốc khó tránh khỏi suy thoái kinh tế?

    Trung Quốc khó tránh khỏi suy thoái kinh tế?

    04:30, 27/09/2023

  • Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Nguy cơ suy thoái kinh tế đang giảm dần

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Nguy cơ suy thoái kinh tế đang giảm dần

    16:50, 24/06/2023

  • Châu Âu có nguy cơp/suy thoái kinh tế?

    Châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế?

    12:00, 05/06/2023

  • Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

    Suy thoái kinh tế đã bắt đầu?

    03:00, 03/05/2023

  • Chỉ báo suy thoái kinh tế hiện hữu?

    Chỉ báo suy thoái kinh tế hiện hữu?

    12:25, 14/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khủng hoảng hay “vũ khí hóa” nền kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO