Việc Trung Quốc mạnh tay ngăn ngừa chứng nghiện game ở giới trẻ cho thấy, đã đến lúc các quốc gia khác cần nghiêm túc hạn chế thời gian chơi game của trẻ em để tránh những hệ lụy không đáng có.
Trung Quốc hành động
Cụ thể, Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc (NPPA) đang thắt chặt kiểm soát mức độ mà các công ty trò chơi trực tuyến được phép cung cấp cho người dùng trẻ tuổi. Theo các chỉ thị mới, các công ty bị cấm cung cấp dịch vụ của họ cho trẻ em ngoài một khung thời gian nhỏ.
Những người dùng dưới 18 tuổi chỉ có thể truy cập trò chơi trực tuyến vào thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật và chỉ trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 9 giờ tối. Trẻ vị thành niên cũng chỉ được phép chơi trong cùng khoảng thời gian trên vào các ngày lễ quốc gia.
Các công ty game online phải bảo đảm đã triển khai hệ thống xác thực tên. Tất cả tựa game đều phải kết nối với hệ thống chống nghiện do NPPA thiết lập. NPPA trả lời Tân Hoa Xã rằng, sẽ tăng cường tần suất và mật độ thanh tra các hãng game online để bảo đảm họ tuân thủ quy định.
Nhà chức trách cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt hãng game vi phạm, tăng mức phạt sau thanh tra. Hơn 10.000 tựa game đã được xem xét năm 2020. Do trẻ vị thành niên vẫn có thể sử dụng tài khoản bố mẹ để lách luật, phụ huynh và nhà trường cần tăng cường giám sát.
Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp đặt các biện pháp hạn chế. Hàn Quốc đã ban hành "Luật tắt máy" vào năm 2011 để chống lại chứng nghiện chơi game ở trẻ em. Tuy nhiên, điều luật này gần đây đã bị bãi bỏ do không áp dụng cho các trò chơi trên thiết bị di động.
Tương tự, các quan chức ở Nhật Bản cũng lo lắng về việc trẻ em chơi game quá mức, nhưng việc đưa ra bất kỳ phương thức quản lý nào cũng khó có thể xảy ra do hiến pháp của Nhật Bản có những biện pháp bảo vệ chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự xâm phạm quá mức của chính phủ.
Trên thực tế, việc ngày càng nhiều trẻ em sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác để chơi game và tham gia các nền tảng mạng xã hội đã gây ra những hệ quả đáng lo ngại trong thời gian gần đây đã làm gia tăng nhu cầu cần có biện pháp siết chặt quản lý.
Theo Chenyu Cui, nhà phân tích trò chơi cấp cao của Omdia, một công ty nghiên cứu thị trường tập trung vào công nghệ đánh giá, biện pháp siết chặt của Trung Quốc đối với cổ phiếu của các công ty trò chơi là tương đối nhẹ, vì trẻ em không phải là nguồn thu chính của các công ty trò chơi và các hạn chế đã được áp dụng đối với trẻ vị thành niên đã được triển khai từ trước đó.
“Những quy định này là một phần của xu hướng kiểm soát sự phổ biến của trò chơi trực tuyến ở Trung Quốc” chuyên gia này nói thêm. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách đưa hệ sinh thái trò chơi trực tuyến rộng lớn của Trung Quốc phát triển hơn bằng các biện pháp bao gồm chính thức hóa và củng cố hệ thống ID, đồng thời tăng cường kiểm soát kiểm duyệt do tác động xã hội từ việc chơi game đang ngày một lớn hơn.
Do đó, bước đi của Trung Quốc, thị trường game lớn nhất thế giới sẽ cung cấp cách thức hữu hiệu cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam lên kế hoạch giảm thời gian chơi game và truy cập các mạng xã hội khi chưa đủ 18 tuổi nhằm hướng trẻ em và thành thiết niên tập trung vào việc học hoặc trau dồi các sở thích khác.
Bài học kinh nghiệm
Mặc dù vậy, để triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ như mô hình của Trung Quốc, các chuyên gia nhận định, các nước cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và nhận diện khuôn mặt người dùng bao phủ toàn quốc. Điều này có khả năng sẽ trở thành “miếng mồi” hấp dẫn cho các tin tặc tấn công vào hệ thống cơ sở dữ liệu này nếu không có biện pháp bảo mật chặt chẽ.
Bên cạnh đó, một nhà quản lý cho rằng, những quy định trong quản lý game hiện nay mới tập trung vào các nhà sản xuất và người chơi mà chưa làm rõ được vai trò của nhiều nhà mạng. Đây là một lỗ hổng khi người chơi có thể mua một mã thẻ cào điện thoại rồi nạp vào cổng game. Một hình thức nữa cũng được sử dụng để lách luật là nhắn tin mất tiền vào đầu số được cung cấp. Từ tiền thật trong thẻ được đổi ra tiền ảo dùng cho các lần chơi. Như vậy, để lấy được tiền thật từ tiền ảo, có vai trò của các nhà mạng cung cấp internet, dịch vụ viễn thông.
Chính vì vậy, thay vì không cấm game, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam và các quốc gia khác cần tập trung vào xây dựng “tường lửa” quản lý. Như ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng “Game là ngành kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích thì phải có đầy đủ yếu tố bảo đảm để nó vận hành. Các cơ quan nhà nước đã có văn bản quy phạm pháp luật rồi thì phải có thanh tra, kiểm tra nghiêm túc để game đi vào quy củ".
Đồng thời, một trong những điều quan trọng nhất là tăng cường vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc quản lý chặt chẽ việc trẻ vị thành niên chơi game và các nền tảng mạng xã hội để tránh những tác động xấu từ phía môi trường này.
Có thể bạn quan tâm