Theo Bộ trưởng GTVT, bất cập tại các dự án PPP do lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro và nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn khiến nhà đầu tư không không mặn mà.
>>Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp
Vẫn tồn tại nhiều rào cản
Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, liên quan đến vấn đề đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP, đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) cho rằng, việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước so với quy định hiện hành là chưa đủ để tăng sức hấp dẫn đối với các dự án PPP giao thông, thậm chí có thể trở thành một hình thái mới về đầu tư công.
Hiện nay, vấn đề mà các nhà đầu tư trăn trở nhất chính là việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ hợp đồng được quy định trong Luật PPP và hợp đồng ký kết, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước không phải là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của các dự án PPP hạ tầng giao thông. Việc thu hút các dự án PPP hiện nay vẫn chưa hiệu quả do nhiều yếu tố.
Thứ nhất, dưới góc nhìn khách quan là do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, điều này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông không đem lại lợi nhuận cao. Đặc biệt, hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án PPP, vấn đề họ quan ngại là cần bảo lãnh doanh thu của Chính phủ, việc chuyển đổi ngoại tệ khi thu hồi vốn. Bên cạnh đó, vấn đề khiến cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước e ngại là giải phóng mặt bằng.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Văn Khôi – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2020, các dự án giao thông huy động tốt nguồn vốn PPP, tuy nhiên thời gian qua lại không huy động được là do cơ sở pháp lý. Mặc dù Luật PPP đưa ra tương đối đầy đủ, nhưng khi thực hiện các nhà đầu tư toàn "lép vế" so với cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Khôi đưa ra dẫn chứng, dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành thực hiện thì chỉ mất từ 24 đến 33 tháng để hoàn thành. Trong khi đó, nếu dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, thì không có dự án nào có thể hoàn thành dưới 4 - 5 năm.
Ngoài ra, một trong những khó khăn trong việc triển khai các dự án PPP là nguồn tiền vay. Bởi ngoài 15 - 30% vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp phải vay từ 70 - 85% vốn từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến nguồn vốn cho dự án PPP, theo quan điểm của bà Đỗ Thị Bích Hồng – Viện Chiến lược (NHNN), nguồn vốn vay từ ngân hàng thường là kênh chính trong các phương thức tài trợ vốn cho các dự án PPP, bởi các dự án này thường có nhu cầu về vốn lớn. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng cho lĩnh vực đầu tư PPP vẫn gặp nhiều hạn chế do nhiều yếu tố.
Thứ nhất, hầu hết các dự án giao thông đầu tư mới thường sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước, và chỉ có 5 dự án xây dựng theo hình thức BOT sử dụng vốn tín dụng. Dư nợ tăng trưởng tín dụng cho các dự án có xu hướng giảm dần qua các năm do ngân hàng chủ yếu giải ngân và thu nợ đối với các dự án cũ. Tỷ trọng dư nợ của các dự án PPP trên tổng dư nợ cấp tín dụng của nền kinh tế vẫn ở mức thấp (khoảng 1%). Trong khi đó, nhiều dự án cũng gặp khó khăn khi doanh thu từ phí sử dụng không đạt được như đã dự kiến trong kế hoạch tài chính ban đầu.
>>Doanh nghiệp bất động sản “rầm rộ” ra hàng
Thứ hai, một điểm đặc biệt của tín dụng từ ngân hàng cho các dự án PPP so với tín dụng cho các dự án thông thường là hình thức của các khoản vay. Thường thì khoản vay dự án PPP thường được xác định là "miễn truy đòi" hoặc "truy đòi hạn chế". Điều này có nghĩa là ngân hàng cho vay mà không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh từ các tài sản của dự án. Việc hoàn trả khoản nợ gốc và lãi phải dựa vào dòng tiền mà dự án tạo ra từ hoạt động kinh doanh của dự án.
Giải pháp nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án PPP?
Nhằm thu hút được các nhà đầu tư, ông Thắng cho rằng, cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới. Trong thời gian tới bên cạnh việc áp dụng các hình thức đầu tư PPP mới như nhượng quyền, đấu giá quyền thu phí, Bộ GTVT sẽ tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư thực chất, nhằm đưa dự án tới nhà đầu tư thay vì thụ động chờ đợi.
Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư. Cũng với tinh thần đó, ngay trong kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cơ chế tháo gỡ, trong đó đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP lên mức cao hơn trong một số trường hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, cần đầy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí…
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản trung tâm dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp
03:00, 08/11/2023
Doanh nghiệp bất động sản “rầm rộ” ra hàng
16:00, 07/11/2023
Bất động sản phía Nam khởi sắc trở lại
15:25, 07/11/2023
Bất động sản công nghiệp xuất hiện nguồn cung mới giàu tiềm năng
08:00, 07/11/2023
Doanh nghiệp bất động sản đón "sóng" cuối năm
05:00, 07/11/2023