Nhà ở công nhân, nhà ở xã hội: Thực trạng và suy nghĩ

Diendandoanhnghiep.vn Qua các số liệu thống kê chưa đầy đủ có thể hình dung toàn cảnh bức tranh về nhà ở công nhân các khu công nghiệp và nhà ở xã hội trên cả nước không mấy sáng sủa cho dù đã được Nhà nước quan tâm.

>> Cần có giá trần với nhà ở xã hội

Kể từ khi nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, thì chế độ bao cấp về nhà ở bị xóa sổ.

Nhưng nhà ở cho công nhân các KCN và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp vẫn được Nhà nước quan tâm, thể hiện rõ tại nhiều văn bản pháp luật, như Luật Nhà ở 2005, Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi thay thế 2005); Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định 49/ 2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 100/2015)…

Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân vẫn lồng ghép trong chính sách phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau về nhu cầu sử dụng cũng như về lối sống, về văn hóa. Nhà ở xã hội với mục tiêu cải thiện chỗ ở cho nhân dân, hướng đến đối tượng là những người có công với nước; các gia đình trẻ; những người thu nhập thấp ở đô thị (kể cả công chức, viên chức nhà nước). Còn nhà ở công nhân là hướng đến đối tượng là người lao động làm việc tại các KCN tập trung tại các tỉnh, đô thị  lớn như ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh…

Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu để sửa đổi Luật Nhà ở 2014, theo đó chính sách nhà ở công nhân được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, khuyến khích nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Đây là sự cần thiết, thể hiện một tư duy mới trong phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động, những người đang ở “độ tuổi vàng”, làm việc cần mẫn tại các KCN vì sự phát triển của đất nước.

Ảnh thực tế khu nhà ở công nhân, KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: QT

Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân làm việc tại các KCN, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Như Bắc Ninh, vốn được mệnh danh là thủ phủ FDI, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp tập trung, với số lượng hơn 152.000 công nhân, người lao động đang làm việc, trong đó có hơn 75.000 công nhân có nhu cầu thuê nhà để ở  (chiếm khoảng 50%) đang đặt ra vấn đề bức thiết chỗ ở cho công nhân ở Tỉnh này.

Trong khi đó hàng năm, số nhu cầu về lao động và nhu cầu về chỗ ở tại các KCN vẫn tăng từ 20-25%. Theo Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, thì hiện đã có 6 dự án nhà ở công nhân được đầu tư xây dựng, trong đó 4 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 26.600 người, chiếm khoảng 35% số lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Như thế, hiện vẫn còn khoảng 65% công nhân phải thuê trọ trong các khu dân cư lân cận. Trong khi quỹ nhà ở thương mại ở đô thị có xu hướng ngày càng gia tăng bất chấp khó khăn của nền kinh tế (?!), thì nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các KCN tập trung lại rất hạn chế.

Theo báo cáo tổng hợp gần đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì đến nay cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 (mặc dù giờ đã là năm 2023?!). 

Hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 278 dự án với 276.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 13.800.000 m2. Trong đó, đã hoàn thành  116 dự án nhà ở dành cho công nhân các KCN, với quy mô 54.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 2.580.000 m2, đáp ứng chỗ ở cho 330.000 lao động (khoảng 40% nhu cầu). Đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô 134.000 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 13.800.000 m2. Riêng năm 2021, chưa có một dự án nhà ở công nhân nào được hoàn thành, bàn giao, sử dụng.

Cũng theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thì nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân KCN giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà ở cho công nhân KCN là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, có tổng mức đầu tư khoảng 67.000 tỷ đồng. Như vậy, qua các số liệu thống kê chưa đầy đủ nói trên, ta có thể hình dung ra toàn cảnh bức tranh về nhà ở công nhân các KCN và nhà ở xã hội trên cả nước không mấy sáng sủa, cho dù đã được Nhà nước quan tâm.

>> Kỳ vọng phát triển nhà ở công nhân

Cần đầu tư nghiên cứu để tìm ra những mẫu nhà ở hợp lý, kinh tế và bền vững, đáp ứng yêu cầu và điều kiện sống, lối sống của công nhân các khu công nghiệp.

Tại sao vậy, qua các nghiên cứu, có thể thấy một số nguyên nhân:

Thứ nhất, nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển các KCN chưa tính đến một cách đầy đủ, khoa học nhu cầu ở của công nhân, người lao động đến làm việc, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm khoảng 50 %).

Những địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, thì số lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Tại các KCN, hiện mới có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ rải rác ở bên ngoài với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn, thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu và không an toàn. 

Thứ hai, hầu hết các KCN, các dự án nhà ở xã hội nằm ở ven đô, xa trung tâm đô thị nên hệ thống nhà ở công nhân đã thiếu lại không được gắn kết với tiện ích đô thị và hạ tầng xã hội. Việc quy hoạch, lựa chọn địa điểm, vị trí xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội không thuận lợi, thiết kế kiến trúc thì đơn điệu, không phù hợp với sinh hoạt và lối sống của công nhân nhập cư, hay của người thu nhập thấp…

Thứ ba, cần xem lại quy định sử dụng quỹ đất 20% để thực hiện xây nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân một cách thực tế. Tránh tình trạng nơi triển khai, nơi không, mặc dù đây là yếu tố bắt buộc trong lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng các KCN. Vị trí, diện tích đất để xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội phải đảm bảo sự  đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thứ tư, các dịch vụ cho người lao động phải được đảm bảo, như phúc lợi xã hội, nhà ở, đào tạo nghề, các hoạt động vui chơi giải trí, trường mẫu giáo, nhà trẻ cho con em công nhân, tôn trọng quyền riêng tư của công nhân khi sống trong khu nhà ở.

Thứ năm, xây dựng quy hoạch nhà ở xã hội phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một đề án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện. Trong quy hoạch KCN phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê – mua, bảo đảm đáp ứng tối thiểu 70% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thứ sáu, cần sửa đổi, bổ sung  các cơ chế, chính sách chưa phù hợp về đất đai, về vốn đầu tư, về quy hoạch, về phát triển hạ tầng đồng bộ..., tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê - mua với giá phù hợp với khả năng thu nhập hàng tháng.

Nhà nước cũng cần xem xét việc hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp nước sạch và tiêu thải nước mưa, nước sinh hoạt…để  khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân, hay hộ gia đình gần KCN xây dựng, cải tạo nhà trọ cho công nhân thuê  đảm bảo về vệ sinh môi trường, về quy định phòng chống cháy nổ và an toàn cho công nhân khi sống trong các nhà trọ.

Thứ bảy, xây dựng nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương và của cả nước, vì thế vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất quan trọng.

Tổ chức Công đoàn tại các KCN phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống và văn hóa, văn minh công nghiệp cho công nhân, người lao động, để người lao động vốn ra đi từ nông thôn (quen với lối sống tùy tiện, dễ dãi ở làng) dần thay đổi và thích nghi với môi trường lao động công nghiệp, hiện đại.

Các KTS cần quan tâm đầu tư nghiên cứu để tìm ra những mẫu nhà ở hợp lý, kinh tế và bền vững, đáp ứng yêu cầu và điều kiện sống, lối sống của công nhân các khu công nghiệp.

Và khi đó, các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội sẽ trở thành một tổng thể hữu cơ gắn bó chặt chẽ trong một cấu trúc đô thị thông minh và phát triển bền vững trong thời kỳ công nghệ số của Đất nước./.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nhà ở công nhân, nhà ở xã hội: Thực trạng và suy nghĩ tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714444991 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714444991 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10