Thực tế những gói thầu hàng chục, hàng trăm tỷ liên tục rơi vào tay các nhà thầu “quen mặt” với kịch bản trúng thầu kiểu “một mình, một chợ” đang diễn ra tại nhiều nơi khiến dư luận hết sức khó hiểu…
Thông tin từ Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, những “kịch bản” trúng thầu kiểu chỉ dành cho một nhà thầu duy nhất đã và đang diễn ra tại nhiều nơi gây bất bình dư luận, cùng những hoài nghi về sự minh bạch tại các cuộc thầu.
Một mình một sân
Ngày 2/7/2021, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng huyện Ba Vì (Hà Nội) thông báo mời thầu gói thầu xây dựng, đảm bảo an toàn giao thông dự án đường trục các thôn Việt Yên, Muỗi xã Yên Bài với giá trị gói thầu là 12 tỷ 690 triệu đồng. Mặc dù là gói thầu tổ chức đấu thầu qua mạng rộng rãi trong cả nước, nhưng không hiểu sao đến thời điểm mở thầu chỉ có Công ty CP Xây dựng và Môi trường Hà Nội nộp hồ sơ dự thầu.
Theo đó, ngày 21/7/2021 Công ty CP Xây dựng và Môi trường Hà Nội được ông Trần Quang Khuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì ký quyết định lựa chọn trúng thầu gói thầu này với giá 12 tỷ 677 triệu đồng. Sau quá trình tổ chức đấu thầu công phu, huyện Ba Vì chỉ tiết kiệm được cho ngân sách vẻn vẹn 13 triệu đồng.
Cũng trong tháng 7/2021, ông Trần Quang Khuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì ký quyết định lựa chọn Công ty CP Tư vấn xây dựng và Dịch vụ thương mại Thành Hưng trúng gói thầu xây dựng đường giao thông các thôn Muỗi, Bài, Mít Mái xã Yên Bài với giá 12 tỷ 950 triệu đồng.
Một nhà thầu (xin giấu tên) cho biết, Gói thầu này có giá 12 tỷ 956 triệu đồng, như vậy qua đấu thầu, gói thầu hơn 12 tỷ chỉ giảm giá được 6 triệu đồng.
“Một mức tiết kiệm cho ngân sách siêu thấp, rất khó chấp nhận”, đại diện nhà thầu này bức xúc nói.
Chỉ thị số 03/CT của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã nội soi được rất nhiều vấn đề phát sinh từ những cuộc thầu chỉ dành cho một nhà thầu và đưa ra các giải pháp căn cơ, quyết liệt để xử lý.
Bên cạnh đó, nhà thầu này cũng cho biết thêm một trường hợp khác, ngày 20/7/2021, ông Trần Quang Khuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì ký quyết định lựa chọn liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển thương mại Việt Hùng và Công ty CP Tư vấn và Xây lắp Sông Đà DTH trúng thầu gói thầu xây dựng nâng cấp đường liên xã Sơn Đà - Thuần Mỹ với giá 29 tỷ 708 triệu đồng. Tại gói thầu “khủng” này vẫn chỉ có nhà thầu duy nhất tham dự thầu đó là liên danh Công ty Việt Hùng - Công ty Sông Đà DTH.
Hay như tại gói thầu xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường giao thông liên xã Vật Lại- Cẩm Lĩnh - Phú Sơn có giá trị gói thầu lên tới 34 tỷ 586 triệu đồng, nhưng chỉ có một mình liên danh Công ty TNHH Mạnh Quân - Công ty cổ phần Thái Phong nộp hồ sơ dự thầu. Sau đó, liên danh nhà thầu Mạnh Quân - Thái Phong tiếp tục được UBND huyện Ba Vì ký quyết định lựa chọn trúng thầu với giá 32 tỷ 875 triệu đồng.
Do “khe cửa hẹp”
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến hoài nghi rằng, tại sao rất nhiều gói thầu quy mô lớn, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, thông qua đấu thầu rộng rãi vẫn thường chỉ duy nhất một nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật? Tại sao sự phát triển với tốc độ cao, sức cạnh tranh giữa các nhà thầu tăng mà rất hiếm gói thầu “rộng cửa” cho nhiều ứng viên bước vào vòng 2 để đánh giá về giá?
Trao đổi với DĐDN, chuyên gia đấu thầu, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, mọi nhà thầu khi tham gia đấu thầu đều mong muốn bằng năng lực, kinh nghiệm của mình có thể đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, rất nhiều chủ đầu tư bằng quyền lực của mình đã tước đi cơ hội chính đáng này thông qua nhiều cách ngay từ bước kỹ thuật: đưa ra các tiêu chí thiếu cạnh tranh, cố tình đánh trượt oan uổng, không cho nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu, phớt lờ kiến nghị của nhà thầu…
“Những gói thầu này được mệnh danh là “khe cửa hẹp” vì chỉ tạo điều kiện cho duy nhất một nhà thầu vào vòng tài chính”, chuyên gia Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, những nhà thầu bị loại oan uổng ngay từ khâu đánh giá kỹ thuật rất cay đắng khi chủ đầu tư quá bất chấp, nếu họ rộng cửa cho nhiều nhà thầu vào vòng tài chính, họ sẽ có cơ hội tiết kiệm cho ngân sách rất nhiều. “Hoàn toàn có thể giúp tiết kiệm từ 5 đến 15% giá gói thầu nếu được tạo cơ hội cạnh tranh thực sự”- chuyên gia Hiệp nhận định.
Với những gói thầu chỉ một nhà thầu lọt vào vòng tài chính như trên, tất yếu, giá dự thầu sẽ sát giá gói thầu. Đương nhiên, khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, giá trúng thầu chỉ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước vô cùng ít, thậm chí chưa đến 0,1%.
“Chỉ thị số 03/CT của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã nội soi được rất nhiều vấn đề phát sinh từ những cuộc thầu chỉ dành cho một nhà thầu và đưa ra các giải pháp căn cơ, quyết liệt để xử lý. Vấn đề bây giờ chính là các giải pháp chấn chỉnh đấu thầu hình thức này có được các bộ, ngành, địa phương, người có thẩm quyền nghiêm túc thực hiện?” – Chuyên gia Nguyễn Trọng Hiệp nói.
Có thể bạn quan tâm
Những “khoảng tối” trong đấu thầu tại Vĩnh Phúc: Năng lực “bất thường”!
04:00, 22/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu tại Vĩnh Phúc: “Điệp khúc” trúng sát giá
11:00, 19/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Cần xử nghiêm hành vi gian lận
03:50, 08/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Khi tiêu chí… bị “biến tướng”
11:00, 07/08/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Ba “kịch bản” cài thầu
17:00, 21/07/2021
“Khoảng tối” trong đấu thầu ở Gia Lai: “Điệp khúc” bảo lưu... tiêu chí mời thầu
11:00, 07/07/2021