Trải qua năm 2020 khó khăn, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021, theo các chuyên gia, để phục hồi doanh nghiệp cần nhiều hơn ngoài giãn, hoãn, giảm thuế…
Theo báo cáo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với 21.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế này, có tới 69% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh do dịch, 15% doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể và chỉ có 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mặc dù không thể hoạt động toàn công suất.
Cũng theo khảo sát này, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng ở cả hai nhóm doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đều quanh mức 46%.
Từ đó có thể thấy, sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch COVID-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.
Theo các chuyên gia, nếu nhóm doanh nghiệp này chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly, giãn cách thì xác suất rơi vào nhóm giải thể là rất cao, vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.
Mới đây, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp và không có lộ trình cụ thể cho doanh nghiệp mở cửa trở lại (đặc biệt là quý III/2021) đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm…
“Đó chính là lý do mà trong 9 tháng qua, trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới xuống thấp kỷ lục, còn số doanh nghiệp rời bỏ thị trường thì tăng chóng mặt”, các chuyên gia đánh giá.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Thông tin với báo chí, đại diện của Hiệp hội Dệt may chia sẻ, ngành dệt may chịu tác động rất lớn của dịch COVID-19, dù hiện tại các số liệu xuất nhập khẩu hàng dệt may vẫn rất tốt, nhưng tình hình thực tế thì rất khó khăn. Trong đó, không phải là thiếu đơn hàng mà là lo không sản xuất kịp để đáp ứng đơn hàng, nên rất có thể khách hàng sẽ chuyển sang nước khác, không dễ quay lại và không chắc quay lại.
Theo vị đại diện này, hiện tại, cái khó lớn nhất của ngành dệt may là thiếu lao động, khả năng tới đây cũng chỉ 60-65% lao động quay trở lại, vì họ đã về quê hoặc tìm được cách khác để duy trì cuộc sống. Đứt dòng tiền, đứt dòng lao động khiến nhiều doanh nghiệp dệt may lao đao, có tháng doanh thu bằng “0”.
Còn theo Hiệp hội Du lịch, 90% số doanh nghiệp và nhân lực trong ngành này bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Trước thực trạng đã nêu, các chuyên gia và các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cần nhận được hỗ trợ, ngoài các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, doanh nghiệp cần sớm được tiếp cận vắc xin, tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ với thủ tục đơn giản.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất, cần xây dựng các gói hỗ trợ phù hợp hơn, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể được tiếp cận dễ dàng.
Thực tế, mặc dù có rất nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành, tuy nhiên, mức độ doanh nghiệp tiếp cận được còn thấp, việc giảm, hoãn thuế còn mang tính cầm chừng; mức độ hỗ trợ còn ít so với nhu cầu; thời gian hỗ trợ ngắn; thủ tục rườm rà.
Thông tin với báo chí, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng cho rằng, các gói hỗ trợ của Việt Nam không nên chỉ tập trung vào các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế. Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Francois Painchaud, Việt Nam thay vì tập trung vào miễn giảm hoãn thuế, cần hướng đến giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, như có thể chuyển khoản lỗ của doanh nghiệp về các năm trước.
Liên quan đến vấn đề phục hồi kinh tế, trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương cho biết, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các chính sách này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh nhưng gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Phục hồi kinh tế - Cần mở rộng các gói hỗ trợ
04:30, 04/10/2021
Phục hồi kinh tế - Doanh nghiệp chờ gì từ các gói hỗ trợ?
04:10, 03/10/2021
Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn
04:20, 02/10/2021
Phục hồi kinh tế - "Sử dụng nguồn lực phải đúng mục đích, hiệu quả"
04:10, 02/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Các quy tắc và quy định mới cần rõ ràng để phục hồi kinh tế
04:20, 04/10/2021