Giữa Thủ đô Hà Nội vẫn tồn tại những lô đất rộng lớn với vị trí được coi là 'vàng', 'kim cương' nhờ vào tiềm năng sinh lợi lớn. Tuy nhiên, nhiều diện tích trong số đó bị bỏ hoang gây lãng phí.
>>> 9 khu “đất vàng” sẽ ra sao khi được di dời khỏi nội đô?
Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, nếu cơ quan quản lý nhà nước, từ UBND Thành phố cho đến các sở, quận, huyện cùng vào cuộc sẽ chấm dứt được tình trạng “ôm đất” bỏ hoang.
Trên địa bàn các quận trung tâm Hà Nội hiện đang có tình trạng nhiều lô đất vàng bị bỏ hoang, Theo tôi, có nhiều loại đất khác nhau được quy hoạch cho các mục đích khác nhau như: giáo dục, công cộng, nhà ở, thương mại dịch vụ.
Trong đó, những khu đất thương mại dịch vụ, nhà ở thường gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, do nhiều chủ đầu tư muốn điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng lên về mật độ tầng cao, cũng như chuyển đổi sang mục đích đất ở nhiều hơn.
Chẳng hạn, có những khu vực ở quận Cầu Giấy tồn tại rất nhiều lô đất bỏ trống, có nhiều nguồn gốc khác nhau. Nhưng đa phần là do các chủ đầu tư đều tìm lý do điều chỉnh quy hoạch để làm giãn tiến độ thực hiện dự án để không bị thu hồi dự án.
Một số lô đất khác có nguồn gốc đất công hoặc một phần đất công nhưng chưa có những phương hướng giải quyết cụ thể cũng bị bỏ hoang không triển khai được dự án. Một số khu đất công cộng chẳng hạn như đất công viên, các dự án ấy đều bị đình trệ. Cụ thể, khu Trung Yên (Cầu Giấy), nhiều năm nay không thực hiện dự án công viên, để đất hoang hóa, nhiều người lấn chiếm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Bên cạnh đó, cũng vẫn tồn tại tình trạng như vậy ở một số khu đô thị mới, có những khu đất trống rất rộng rãi được bố trí là đất trường học. Tuy nhiên chưa được đầu tư triển khai do hiệu quả thấp, không có lợi nhuận nên chủ đầu tư không mặn mà trong công tác đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Tôi cho rằng, cần phải chặt chẽ hơn trong giám sát việc thực hiện các dự án và phải có tiến độ thực hiện dự án chi tiết. Chính quyền và các cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn đối với tình trạng giãn tiến độ dự án với nhiều lí do khác nhau. Bên cạnh đó, cần có sự phân loại rõ ràng hơn cho từng loại dự án.
Điển hình, để giải quyết những tình trạng nhiều khu đất trường học bị bỏ hoang trong thành phố hiện nay, các đơn vị chức năng nên quyết liệt hơn trong việc yêu cầu thực hiện dự án hoặc là thu hồi dự án để có thể là giao cho nhà đầu tư có năng lực thực sự. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi dự án là điều không hề đơn giản bởi còn có rất nhiều lý do nhưng việc đốc thúc cũng như yêu cầu có một thời hạn cụ thể để thực hiện các dự án là điều hoàn toàn có thể làm được.
Tương tự, trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, cũng không nên liên tục thay đổi, nhằm tránh bị lợi dụng để “câu giờ” cho các dự án chậm tiến độ.
Đối với một số khu đất công, nên cân nhắc việc đấu giá đất công và đất công cộng để thu hút các đơn vị có đủ năng lực thực hiện dự án. Khi các đơn vị đã mất một khoản tiền lớn sau đấu giá, họ sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện dự án thay vì trì hoãn.
Một giải pháp khác là xem xét thực hiện đúng các quy định, yêu cầu giao trách nhiệm ràng buộc chặt chẽ giữa việc thực hiện dự án với các quy hoạch chung, tránh trường hợp điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
Trước đây, tình trạng điều chỉnh quy hoạch tràn lan ở một số khu vực trong nội thành đã làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng cũng như cảnh quan kiến trúc của khu vực đó. Có thể kể đến như khu vực đường Lê Văn Lương, có những tòa nhà chỉ được thiết kế xây dựng 5 tầng nhưng sau điều chỉnh đã tăng lên đến 30 tầng…
Như đã nói ở trên, trước hết, chính quyền địa phương cần có những động thái quyết liệt để yêu cầu các chủ đầu tư có dự án bị chậm tiến độ cần có thời hạn cụ thể để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế công khai minh bạch cho người dân giám sát. Các thông tin đầu tư, quy hoạch phải được phổ biến rộng rãi. Thậm chí hướng dẫn người dân cách thức, con đường kiến nghị nếu phát hiện ra vi phạm trong sử dụng đất đai của tổ chức, doanh nghiệp.
Chính phủ cũng xem xét, có cơ chế đánh thuế cao đối với những diện được giao đất nhưng không sử dụng. Những vấn đề này cần được tính toán để giải quyết sớm khi Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang trên “đất vàng” Hà Nội
11:20, 13/11/2023
Vụ trạm bơm nước tiền tỷ bỏ hoang: Tỉnh Nghệ An trả lời gì?
00:08, 12/09/2023
Hà Nội: Khu ký túc xá bỏ hoang cả thập kỷ thành nhà ở xã hội cho thuê
02:00, 08/09/2023
Hàng ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang
15:00, 20/08/2023