Theo quy định, các mỏ khai thác cát, sỏi,... phải lắp đặt trạm cân, camera để cơ quan chức năng quản lý, tuy nhiên nhiều đơn vị khai thác tại Quảng Nam chỉ lắp theo kiểu “trang trí”.
Mục đích của việc lắp đặt cân tải trọng và camera tại điểm mỏ, kho chứa nhằm theo dõi, quản lý khối lượng khoáng sản, tải trọng xe.
Có cân nhưng... không cân
Suốt cả một thời gian dài, những mỏ khai thác cát tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam hoạt động rầm rộ để cung ứng nhu cầu xây dựng tại địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và cả Thừa Thiên – Huế. Để “tận dụng” tốt lợi thế về khoáng sản, các doanh nghiệp tại đây đã ra sức khai thác triệt để tài nguyên để kiếm lời, bất chấp các quy định của pháp luật.
Do đó, Luật khoáng sản đã yêu cầu các đơn vị khai thác phải lắp đặt trạm cân, camera để cơ quan chức năng quản lý. Tuy nhiên, nhiều mỏ khai thác tại Quảng Nam đã không làm như vậy.
Để xác thực tình trạng trên, ngày 8/7 phóng viên DĐDN có mặt tại huyện Đại Lộc để ghi nhận sự việc. Theo ghi nhận, tại bãi tập kết của mỏ cát thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Nguyên Thịnh Phát, các máy hút, máy xúc hoạt động hết công suất từ sáng cho đến hết giờ làm việc.
Thông qua quan sát, có đến 8 chiếc máy xúc thay phiên hoạt động hết công suất, đưa cát lên thùng đoàn xe ben gần chục chiếc đang đợi “ăn cát”. Phía dưới lòng sông, Công ty này cũng trang bị 6 chiếc tàu hút cỡ lớn không lúc nào ngơi việc.
Phóng viên ghi nhận các xe mang biển kiểm soát (BKS) 92H-001.46, 92C-162.09, 92C-081.50,… sau ghi lấy đầy cát sẽ nhập vào đường ĐT 609 và QL 14B để về nới tập kết. Dễ dàng nhận thấy rằng các phương tiện này mang theo một lượng lớn cát ướt, có dấu hiệu quá khổ quá tải nhưng vẫn qua cân như thường.
Tuy nhiên, giai đoạn qua cân được thực hiện rất nhanh chóng, các lái xe không dừng xe lại để cân mà chỉ đi ngang qua “cho có lệ”. Trong đó có nhiều xe còn không qua cân, điển hình như xe 35C-032.71 kéo theo 92R-006.87 đề tên Xi măng Xuân Thành.
Để tìm hiểu về bản chất hoạt động của cân tải trọng tại mỏ cát thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Nguyên Thịnh Phát, phóng viên đã trực tiếp đến bãi để ghi nhận tình hình. Tại đây, phóng viên ghi nhận cân tải trọng không được hoạt động và chủ mỏ luôn để ở chế độ tắt.
Khi loạt xe ben mang BKS 92C-077.27, 43H-003.51,... có dấu hiệu quá tải qua cân thì bảng điện tử báo tải trọng cân cũng không hề sáng và hiển thị tải trọng của xe. Cứ thế, loạt xe cứ tự do ra vào bãi mà mang cát trở về, không màng đến tải trọng. Đặc biệt, đây là đơn vị cung ứng lớn nhất lượng cát cho đoàn xe quá tải mang BKS Thừa Thiên - Huế.
Đến ngày 17/7, các xe mang BKS 43C-132.33, 43C-127.94, 43C-147.98, 92C-088.35, 43H-003.13… để các logo Khởi Phát, Thế Quyền,... vẫn hoạt động rầm rộ tại đây. Mặc dù có xe tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ tại QL14B nhưng vẫn không tiến hành dừng xe để kiểm tra xử lý.
Chủ mỏ làm lơ?
Tại mỏ cát Thuận Mỹ (thôn Mỹ Tân, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc) của Công ty TNHH VLXD Hiệp Hưng phóng viên cũng bắt gặp tình trạng tương tự. Xe vẫn cứ vào bãi lấy cát, đến lúc ra khỏi mỏ chẳng màng đến việc qua cân, mặc kệ nước cứ chảy thành dòng xuống đường.
Theo ghi nhận trong chiều ngày 17/7, các xe ben 92C-165.99, 92C-165.49, 92C-078.25, 92C-16416, 92C-16414, … xếp thành hàng dài trước khi vào mỏ để lấy cát. Sau khi lấy đầy cát lên xe, những phương tiện này mang về một trạm tập kết xe của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ vận tải Kim Thành ở thôn Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) để chờ thời gian vận chuyển.
Ông Lê Văn Bích – Giám đốc Công ty TNHH VLXD Hiệp Hưng thừa nhận có tình trạng xe lấy cát không qua cân tải trọng. Người này cho rằng trước khi các xe vào lấy cát đã yêu cầu các tài xế bắt buộc phải qua cân, tuy nhiên các tài xế vẫn làm lơ. Còn ông Bích thì không thường xuyên ở mỏ nên không biết.
Theo Thượng tá Nguyễn Hoài Nam – Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường sắt – đường bộ (Công an tỉnh Quảng Nam) trong thời gian này phía đơn vị sẽ triển khai chuyên đề xử lý xe quá tải nhưng vì phải tập trung lực lực ứng phó dịch COVID-19 phải tạm ngừng việc kiểm tra, xử lý. Được biết, đội CSGT số 2 hiện chỉ còn 6 đồng chí chia nhau trực 3 ca nên tuần lưu là chính.
“Cân tải trọng cũng đang hỏng nên chỉ xử lý được các hành vi rơi vãi, cơi nới thành thùng”, Thượng tá Nam thông tin.
Ông Trương Văn Sơn - Phó chánh Thanh tra gio thông tỉnh Quảng Nam cho biết khi các mỏ cát lắp đặt trạm cân sẽ chuyển một tài khoản để Thanh tra giao thông đăng nhập, giám sát các xe chở vật liệu ra vào mỏ. Thế nhưng, ông Sơn cho rằng có nhiều tài khoản lại không nhận được tín hiệu, không thấy được tải trọng của xe.
“Chủ mỏ giải thích là do lỗi hạ tầng, kỹ thuật. Còn quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý việc này nên chúng tôi chỉ có thể ghi nhận, làm báo cáo lên cấp có thẩm quyền”, ông Trương Văn Sơn thông tin.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam - Đà Nẵng: Vì sao xe Huế vẫn tung hoành dọc ngang?
10:17, 15/07/2021
Quảng Nam: Cầu trăm tỷ 5 năm chỉ được... 4 cây trụ
12:23, 07/07/2021
Quang Nam: Dân "no bụi" từ đoàn xe chở đất san lấp dự án
14:21, 05/07/2021
Quảng Nam: “Binh đoàn” xe chở đất hành dân
12:36, 03/07/2021
Xe Huế “đại náo” Quảng Nam, Đà Nẵng
15:16, 23/06/2021