Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Quảng Ninh thống nhất quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
>>>TS Lê Xuân Nghĩa: Hợp tác công tư - Đòn bẩy đưa du lịch Quảng Ninh cất cánh
>>>Du lịch Quảng Ninh: Đánh thức kinh tế đêm
Làm mới các sản phẩm du lịch
Từ nhiều năm trước phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh đã được Quảng Ninh đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của tỉnh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch và chính quyền Quảng Ninh cần có giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng trải nghiệm, thu hút du du khách.
Đầu năm 2022, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố kết quả về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch (thí điểm tại 15 tỉnh thành). Kết quả, Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ 2/15 với tổng điểm 4,68. Tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh, nhất là trong mùa cao điểm, ngành du lịch Quảng Ninh đã đưa ra chiến lược phát triển “dài hơi”, hướng đến xây dựng điểm đến 4 mùa, phát triển du lịch Quảng Ninh thành trung tâm du lịch quốc tế. Để đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh đón khoảng 15,5 triệu lượt khách, trong đó ít nhất 5 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2030, đón ít nhất 25,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 8,6 triệu lượt; du lịch đóng góp trực tiếp 11% vào GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân giai đoạn 2025-2030 từ 10-11%.
Tại cuộc họp cho ý kiến về Đề án phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan thống nhất quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời đề xuất các giải pháp liên quan đến đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, thúc đẩy kết nối các điểm đến, các sản phẩm, phát huy hiệu quả truyền thông quảng bá, du lịch…
Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh bổ sung một số điểm tham quan du lịch mới trên Vịnh Bái Tử Long, như: Các điểm đảo Tây Hoi - đảo Trà Ngọ - đảo Cái Lim - đảo Ba Mùn - đảo Bản Sen để làm mới các sản phẩm du lịch. Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa kết nối với các điểm tham quan này, điểm xuất phát tính từ cảng Ao Tiên, cảng Cái Rồng tới các điểm đảo Tây Hoi - đảo Trà Ngọ - đảo Cái Lim - đảo Ba Mùn - đảo Bản Sen - vũng Lỗ Ố.
Hệ thống đường bộ tại điểm du lịch sẽ do đơn vị đầu tư khai thác điểm triển khai theo quy mô xác định.
Riêng với khu vực đề xuất mới là khu vực Trà Bản, Cái Đé, Cái Lim hiện tại chưa có trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch huyện Vân Đồn, do đó cần tổ chức khảo sát, đề xuất tuyến, điểm du lịch mới.
Bên cạnh đó, đại diện các sở, ngành và đơn vị liên quan đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh mở thêm các luồng tuyến mới để có phương án khai thác, nâng cao giá trị của vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Nhằm đa dạng hóa và làm mới các sản phẩm du lịch biển đảo, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức khảo sát, xác định lại các tuyến, điểm du lịch mới, đảm bảo trong tháng 4/2023 có thể đưa vào khai thác.
Cần có chiều sâu
>>>Du lịch Quảng Ninh hướng đến không dùng tiền mặt
>>>Doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh đón đầu cơ hội
Đối với Đề án phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo nội dung phải triển khai hiệu quả các chủ trương của Tỉnh ủy, phù hợp với các quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch, đề án về phát triển du lịch đã được phê duyệt.
Trong đó, quan tâm định hình các vùng, hành lang phát triển du lịch trọng điểm, đặc trưng. Có giải pháp cụ thể xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, thực sự hấp dẫn, có tính cạnh tranh. Đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ. Đồng thời thúc đẩy xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch hướng đến các thị trường trọng tâm; các cơ chế chính sách đặc thù phát triển du lịch, xác định mục tiêu cụ thể về lượng khách, doanh thu, tăng trưởng... để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Việc chủ động, sẵn sàng và tăng cường quảng bá du lịch đang là hướng đi phù hợp, đúng đắn, nhạy bén của Quảng Ninh cũng như phù hợp với mục tiêu tăng tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch, tăng trưởng của ngành “công nghiệp không khói”.
Theo ông Harry Hwag - Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Du lịch thế giới, Quảng Ninh có lợi thế riêng để hấp dẫn khách du lịch, đó chính là việc sở hữu Vịnh Hạ Long vốn đã rất nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú cùng dịch vụ, giải trí đa dạng, hấp dẫn cũng là điều kiện để Quảng Ninh phục hồi du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hiệp - Giám đốc điều hành Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, bên cạnh những thế mạnh sẵn có, việc phát triển các sản phẩm mới vẫn chưa thực sự hấp dẫn, có chiều sâu và tạo được thương hiệu riêng có của Quảng Ninh. Nhất là sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành với điểm du lịch còn hạn chế, mới dừng lại ở việc phát triển thị trường khách du lịch mà chưa có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp.
Cùng với đó, tiềm năng của du lịch đêm, kinh tế đêm chưa được khai thác bài bản để xứng với sự sôi động và hấp dẫn của điểm đến Quảng Ninh, trước hết là TP Hạ Long. Nguồn nhân lực du lịch vẫn là một bài toán khó với ngành du lịch, nhất là trong giai đoạn cao điểm du lịch nói riêng và trong bối cảnh phát triển du lịch chung của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm