Không chỉ vấn đề giải ngân vốn ưu đãi, một số vướng mắc khác trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng được Bộ Xây dựng thẳng thắn chỉ ra nhằm tìm hướng tháo gỡ trong thời gian tới.
>>Đảm bảo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Xây dựng và NHNN đã rà soát lại nguồn vốn đã hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội và khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Nhiều khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội
Đối với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, trên cơ sở rà soát các điều kiện đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đến nay, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi NHNN với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng. Cùng đó, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của NHNN hiện nay chỉ có 01 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.
>>Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Đối với việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỷ đồng với 26.268 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Qua nhận định của Bộ Xây dựng, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP chưa được giải ngân hiệu quả do nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay.
Đồng thời, thời gian vay ngắn hạn (Nghị quyết số 11/NQ-CP chỉ hỗ trợ trong thời gian 2 năm từ 2022 - 2023), lãi suất hỗ trợ thấp (2%/năm) chưa thu hút được các nhà đầu tư vay vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng: “Cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới”.
Cụ thể, những khó khăn đến từ việc còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, có một số địa phương đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới. Hay điển hình là việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Những khó khăn cũng được một số doanh nghiệp thừa nhận. Ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) cho biết, hiện doanh nghiệp này đang triển khai trên 10 nghìn căn hộ nhà ở xã hội tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, từ triển khai thực tế, ông Hoa cho rằng, các thủ tục đầu tư dành cho dự án nhà ở xã hội cần đơn giản, nhanh gọn hơn nữa.
Kỳ vọng những giải pháp
Trước khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã cùng các doanh nghiệp đưa ra một số giải pháp nhằm khơi thông thị trường.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đánh giá đây cũng là yêu cầu và mục tiêu rất cao, đòi hỏi các Bộ ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ Đề án đã đề ra. Đặc biệt, rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, “thủ tục dành cho dự án nhà ở xã hội cần bằng hoặc nhanh hơn so với dự án nhà ở thương mại thì mới khuyến khích được doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở này. Nhất là về phê duyệt quy hoạch chi tiết cần làm nhanh hơn hoặc song song với quy hoạch phân khu để các dự án có thể triển khai nhanh" – ông Hoa đề xuất. "Hiện các thủ tục xét duyệt để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về đất cũng mất rất nhiều thời gian hay kể cả việc xét đối tượng thụ hưởng quỹ nhà này cũng vậy”, ông Phạm Thiếu Hoa cho biết.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị, UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120 nghìn tỷ đồng để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
Về phía doanh nghiệp, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Với những dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý (thủ tục giao đất; lập hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cấp phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu tư vấn và thi công công trình) để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm
Chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản
15:07, 22/02/2024
Bất động sản nghỉ dưỡng sớm thay đổi tích cực
12:00, 22/02/2024
Triển vọng phát triển bất động sản công nghiệp
14:22, 21/02/2024
Quảng Nam tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
14:27, 19/02/2024
Động lực thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2024
11:00, 20/02/2024