Doanh nghiệp

Sầu riêng: Từ “ngôi sao” đến lực cản xuất khẩu

Thy Hằng 15/05/2025 03:23

Là ngôi sao sáng chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm 2024 nhưng sầu riêng lại "hụt hơi" 4 tháng đầu năm kéo theo tham vọng 8 tỷ USD toàn ngành khó đạt năm 2025.

Năm 2024, sầu riêng được ví như ngôi sao sáng của ngành rau quả Việt Nam khi đạt kim ngạch tới 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm. Thành tích đó không chỉ giúp ngành xác lập kỷ lục mới mà còn mở ra tham vọng cán mốc 8 tỷ USD trong năm 2025.

Bản sao xuat-khau-sau-rieng-vn-dat-gia-tri-ky-luc2dao-ngoc-thach-170378060119441709791
Năm 2024, sầu riêng được ví như ngôi sao sáng của ngành rau quả Việt Nam khi đạt kim ngạch tới 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 4/2025 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, giảm tới 13% so với tháng 4/2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chỉ thu về hơn 1,6 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng lo ngại, xuất khẩu sầu riêng đã suy giảm tới 74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 4, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chỉ đạt hơn 777 triệu USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm gần 46% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả. Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 2 thị trường lớn tiếp theo, lần lượt chiếm 9% (đạt 154 triệu USD) và 6% (đạt 101 triệu USD).

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, xuất khẩu sầu riêng gặp khó tại thị trường Trung Quốc đã kéo kết quả xuất khẩu của toàn ngành rau quả đi xuống.

“Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Trung Quốc siết chặt các quy định nhập khẩu sầu riêng, bao gồm kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn dư lượng kim loại nặng như cadmium, truy xuất nguồn gốc và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Nhiều lô hàng bị trả về, làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, kéo theo sự sa sút chung của toàn ngành”, chuyên gia chia sẻ.

sau-rieng-hut-hoi-xuat-khau-rau-qua-viet-nguy-co-lo-hen-8-ty-usd-20250514170122.jpg
Xuất khẩu sầu riêng "hụt hơi" 4 tháng đầu năm kéo theo tham vọng 8 tỷ USD toàn ngành khó đạt năm 2025.

Đề cập về vấn đề xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó, chuỗi cung ứng sầu riêng có nguy cơ bị “vỡ”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi hơn. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ thực hiện trong thời gian tới. Bởi sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một thị trường cũng chủ lực, do vậy phải rất khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho trái cây này.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết đã yêu cầu các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc, để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu. Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.

Về dài hạn, ông Đỗ Đức Duy yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định. Cùng với đó là việc xây dựng, chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu.

Bộ cũng xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết. Bộ trưởng cũng đề nghị cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi.

Để hiện thực hóa các giải pháp nêu trên, một số nhiệm vụ trọng tâm đang được bộ trưởng đề nghị triển khai ngay, đó là xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu.

Thứ trưởng Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa, đồng hành cùng doanh nghiệp, sát cánh với địa phương, phối hợp cùng các cơ quan liên quan để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.

Năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với năm 2023. Đứng đầu về các sản phẩm rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD; tiếp theo là thanh long khoảng 435 triệu USD; tiếp đến là chuối, xoài và một số mặt hàng khác như mít, dừa, dưa hấu… Ngành hàng rau quả đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2025 là 8 tỷ USD, tuy nhiên ông Đặng Phúc Nguyên nhận định với kết quả 4 tháng sụt giảm thê thảm, mục tiêu 8 tỷ USD trong năm nay sẽ khó đạt được.

Có thể thấy, “cú vấp” của sầu riêng không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nói chung, mà còn cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng và giám sát chuỗi cung ứng. Đây là bài học lớn buộc ngành rau quả phải thay đổi tư duy phát triển theo hướng bài bản, chuyên nghiệp và thích ứng nhanh với yêu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh rủi ro từ một số thị trường chủ lực ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến sâu là con đường bắt buộc nếu ngành rau quả muốn phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sầu riêng: Từ “ngôi sao” đến lực cản xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO