Tháng trước, Shopee bị Indonesia cáo buộc độc quyền mảng tiếp vận, bây giờ họ thừa nhận vi phạm và hứa sẽ thực hiện các thay đổi theo yêu cầu của nhà chức trách.
>>Shopee và Lazada bị điều tra độc quyền
Như Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, cuối tháng 5 vừa rồi, Shopee và Lazada bị Cơ quan chống độc quyền Indonesia (KPPU) điều tra vì những nghi ngờ liên quan đến vi phạm các quy tắc chống cạnh tranh.
Hôm qua, ngày 26/6, theo truyền thông thế giới, Shopee đã thừa nhận sai phạm và đồng ý thay đổi hoạt động vi phạm của mình.
Sự việc bắt đầu được biết đến từ ngày Thứ Ba 28/5, KPPU đưa ra cáo buộc trong đó cho biết Shopee đang vi phạm quy tắc chống cạnh tranh bằng việc “điều hướng” khách hàng chỉ sử dụng một số dịch vụ giao hàng nhất định.
Cụ thể, trước kia người dùng Shopee khi đặt hàng có thể lựa chọn rất nhiều đơn vị giao hàng khác nhau. Tuy nhiên giờ đây Shopee chỉ còn hiển thị hai lựa chọn giao hàng, một trong số đó là từ đơn vị có sự hiện diện của lãnh đạo Shopee Indonesia trong ban giám đốc.
KPPU tiết lộ kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Shopee ưu tiên Shopee Express trong mọi đơn hàng gửi đến người dùng. Tổ chức này cáo buộc Shopee phân biệt đối xử khi tự động kích hoạt hàng loạt hai dịch vụ Shopee Express và J&T Express trên bảng điều khiển của người bán, trong khi các công ty khác dù có dịch vụ tốt lại không được chọn tự động. Điều này được quy vào vi phạm Luật số 5 năm 1999 của nước này.
Shopee đã thừa nhận sự vi phạm này và đồng ý thay đổi, thực hiện các điều chỉnh trong phương thức hoạt động. Shopee đề xuất thay đổi đối với giao diện người dùng để cải thiện dịch vụ và thể hiện sự tuân thủ của hãng. Theo KPPU, Shopee đề xuất các điều chỉnh của họ với KPPU và đã được tổ chức này chấp thuận.
“Shopee luôn cam kết tuân thủ tất cả các quy định và luật pháp hiện hành tại nước Cộng hòa Indonesia khi thực hiện các hoạt động kinh doanh", Nataprawira, Giám đốc các vấn đề công chúng tại Shopee Indonesia phát biểu.
Cùng với Shopee, sàn thương mại điện tử Lazada cũng đang bị điều tra về những cáo buộc sai phạm tương tự. Nếu bị chứng minh là vi phạm pháp luật, Lazada có thể bị phạt với mức phạt tối đa là 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% tổng doanh thu mà họ thu được trên thị trường liên quan trong thời gian vi phạm.
Shopee vừa có một quý I/2024 đạt doanh thu kỷ lục, chạm mốc 2,95 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những yếu tố giúp Shopee đạt thành công này chính là SPX Express, đơn vị tiếp vận do chính Shopee vận hành. Ông Tony Hour, giám đốc tài chính của SEA, từng hé lộ rằng hơn một nửa số đơn đặt hàng của Shopee ở Châu Á được đảm nhiệm bởi SPX Express.
Việc tự vận hành đơn vị tiếp cận đã giúp Shopee giảm chi phí và giữ lại rất nhiều lợi nhuận, thay vì phải san sẻ với các đơn vị tiếp vận bên ngoài. Hay nói cách khác, nếu sử dụng SPX Express, chi phí mỗi đơn hàng mà Shopee phải bỏ ra sẽ thấp hơn. Con số tiết kiệm được ước tính đến 15% so với cùng kỳ đối với thị trường Châu Á trong quý 1.
Ngoài ra, sở hữu đơn vị tiếp vận “cây nhà lá vườn” cho phép Shopee đem đến dịch vụ khác biệt hơn. Đại diện Shopee cho biết trong quý I/2024, khoảng 70% đơn hàng SPX Express ở Châu Á đã được giao trong phòng 3 ngày kể từ khi đặt hàng. Không chỉ vậy chi phí cũng sẽ được giảm phần nào. Chẳng hạn người Việt Nam đặt hàng các shop ở Trung Quốc trung bình chỉ mất 17.000đ tiền vận chuyển và thời gian giao đến Hà Nội chỉ khoảng 3 ngày.
SPX Express có một vai trò quan trọng như vậy với Shopee, nay bị kết luận là vi phạm luật và phải thay đổi, chưa rõ Shopee sẽ làm thế nào để vừa giữ lại được vai trò của công ty tiếp vận này, vừa không bị vi phạm pháp luật.
Có thể bạn quan tâm