Để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, liên quan đến các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ các quy định đặc thù…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát
Theo đó, nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước. Tại chương V (từ Điều 46 đến Điều 52), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô.
Quy định về Vùng Thủ đô được cho là bước kế thừa, phát triển các quy định về vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012 và các văn bản cụ thể hóa, thi hành Luật Thủ đô năm 2012 như: Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 5/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô; Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Thủ đô…
Đánh giá cao những đề xuất chính sách được cơ quan soạn thảo đưa vào liên quan đến liên kết phát triển vùng Thủ đô, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cần bổ sung làm rõ nét hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng; Quy định chi tiết cơ chế phối hợp để phát triển hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường.
>> Sửa Luật Thủ đô: Tạo môi trường cho người tài phát huy năng lực
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, quy định liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định tại Chương V của Dự thảo Luật đã cơ bản thể chế được tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị bằng các chính sách cụ thể để vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội xanh, văn minh, năng động; trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước…
Tuy nhiên, vấn đề liên kết phát triển vùng nói chung là một nội dung khó, chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng, cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nước ta. Trong đó, việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.
Vị đại biểu này cho rằng, để xây dựng các quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô trong Luật hiệu quả, khả thi, cần rà soát, nghiên cứu quy định đầy đủ, cụ thể hơn nội dung tại khoản 1, Điều 46 quy định vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia.
“Quy định này chưa đầy đủ, bởi khi đề cập đến hạ tầng kỹ thuật phải song song với hạ tầng xã hội và quy định này hẹp hơn, chưa đồng bộ với Kết luận số 45-KL/TW tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, vị đại biểu này bày tỏ.
Bên cạnh đó, góp ý về phạm vi điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó có quy định giao Thủ đô có vai trò chủ trì, điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung làm rõ nét hơn, cụ thể hơn các quy định đặc thù khác liên quan đến vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng như: Thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng; việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương; các ưu đãi đầu tư đối với các dự án của vùng; các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, logistics để tạo cơ sở cho việc liên kết vùng hiệu quả và thực chất.
Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng đề xuất, cơ quan soạn thảo xem xét quy định chi tiết cơ chế phối hợp để phát triển hạ tầng về giao thông và bảo vệ môi trường. Trong đó, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các đô thị, trung tâm thủ đô và các đô thị của các tỉnh lân cận theo mô hình TOD; việc cải tạo, xử lý, làm sạch môi trường các con sông trong vùng thủ đô; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại của các địa phương trong vùng một cách hợp lý và hiệu quả...
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy định về liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định ở Chương V Dự thảo Luật chủ yếu mang tính chất tự nguyện, tính chất bắt buộc chưa cao. Cần phải có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, rõ trách nhiệm và phương thức triển khai thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát
04:00, 21/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Tạo môi trường cho người tài phát huy năng lực
04:00, 12/12/2023
Cân nhắc cơ chế ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô
04:00, 10/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần có cơ chế, chính sách đột phá hơn
04:00, 05/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ phạm vi áp dụng
04:00, 02/12/2023