Với hệ thống di sản phong phú, đa dạng, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung các quy định để đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô...
>> Sửa Luật Thủ đô: Phải giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường
Thống kê cho thấy, Hà Nội là nơi hiện diện đầy đủ các loại hình di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với hàng trăm di sản được vinh danh ở nhiều cấp độ, trong đó có 2 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... đây được cho là một nguồn lực nội sinh lớn để ngành công nghiệp “không khói” của Hà Nội phát triển.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết 15-NQ/TW, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo”, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Tuy nhiên, góp ý liên quan đến những quy định này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP (hợp tác đối tác công - tư) trong lĩnh vực văn hóa và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa, Dự thảo Luật (sửa đổi) chưa có nhiều quy định thúc đẩy phát triển văn hóa, chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, văn minh.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra mục tiêu: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nghị quyết số 30-NQ/TW về yêu cầu: Phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cụ thể hoá các ưu đãi để thu hút nhân tài
Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa (Khoản 1 Điều 39) và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa thì các quy định của dự thảo cơ bản kế thừa quy định Điều 11 của Luật Thủ đô hiện hành, thiên về phát triển “phần cứng” chưa có nhiều quy định thúc đẩy “phần mềm” của văn hóa; chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu: xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam như được xác đinh tại Điều 21.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô; đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ đó, Dự thảo cần bổ sung các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô, cùng song song với khen thưởng và xử phạt cũng như bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Thủ đô trong Dự thảo.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, vấn đề phát triển văn hoá, thể thao tại Điều 21 của Dự thảo đang có quá nhiều nội dung được đưa vào, trong đó, có những nội dung còn xác định chung chung, chưa cụ thể, cần được tách ra để quy định rõ ràng hơn.
Cụ thể, tại Điểm 3 có quy định chung về Di sản vật thể và Di sản phi vật thể, theo đại biểu, cần tách hai nội dung về Di sản vật thể và Di sản phi vật thể để quy định cụ thể hơn. Bên cạnh đó, nội dung “Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây” cũng cần phải được xác định rõ và chi tiết.
Đồng thời cho rằng, đối với nội dung về bảo tồn “Biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị” thì cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá, xác định thế nào là biệt thự cũ, công trình có giá trị…
Liên quan đến Điều 21 của Dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, điểm a khoản 4 Điều 21 Dự thảo Luật quy định đối tượng được hưởng mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên là “người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật” còn quá chung chung. Đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về “người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” hoặc bổ sung quy định HĐND TP. Hà Nội quy định cụ thể đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được hưởng ưu đãi đặc thù để đảm bảo chặt chẽ và dễ xác định đối tượng thụ hưởng hơn.
Đồng thời, góp ý quy định về các khu vực, di tích và di sản được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, các biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị văn hóa tại Thủ đô Hà Nội khá nhiều và khá đặc biệt. Do đó, cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị.
Được biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương và 54 Điều, giảm 5 Điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 Điều, bỏ 7 Điều, bổ sung mới 2 Điều.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Phải giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường
04:00, 07/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cụ thể hoá các ưu đãi để thu hút nhân tài
03:30, 29/03/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc việc mở quá rộng cơ chế thử nghiệm
04:00, 27/03/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về thu hút nhà đầu tư… chiến lược
04:30, 02/03/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ các quy định đặc thù liên quan đến vùng Thủ đô
04:00, 22/12/2023