Cần bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tiếp cận công bằng các nguồn lực như đất đai, vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng bày tỏ sự phấn khởi, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo TS. Cấn Văn Lực, đây là lần đầu tiên khái niệm "không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự" được chính thức đưa vào nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, nghị quyết này có quy định nội dung về vấn đề xét xử, thanh tra, kiểm tra đối với các vụ án hình sự có liên quan đến kinh tế. Nếu chưa đủ bằng chứng, dứt khoát không được luận tội. Đồng thời, ưu tiên bồi thường kinh tế trước khi xử lý hình sự. Điều này tạo ra niềm tin và sự yên tâm cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo chuyên gia, kinh tế tư nhân cần được coi là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xanh hóa và hội nhập toàn cầu. Muốn vậy, môi trường kinh doanh phải được đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, an toàn; đồng thời xóa bỏ mọi định kiến; bảo đảm đầy đủ quyền tự do kinh doanh, quyền tiếp cận các nguồn lực sòng phẳng bao gồm đất đai, vốn, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, quyền cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.
"Nhà nước chúng ta đang trong giai đoạn chuyển trạng thái từ kiểm soát sang kiến tạo để phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh, gắn với lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và phát triển bền vững…", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Bàn về giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cũng đề cập đến 8 nhóm giải pháp đột phá, trọng tâm để phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đột phá thể chế, chính sách; bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.Riêng việc tạo ra các quyền nói trên cho khu vực tư nhân cũng như ban hành các chính sách nhanh gọn đã thể hiện rõ sự đột phá trong thể chế.
Thứ ba, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Một vấn đề đặt ra là việc triển khai Luật Đất đai 2024 đang còn một số vướng mắc và hiện cũng đang có kiến nghị sẽ sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
Thứ tư, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Liên quan đến vấn đề này, sắp tới sẽ chính thức có nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện nay, trong Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân được Chính phủ trình Quốc hội góp ý, quỹ này sẽ nằm rải rác ở những nguồn vốn khác nhau. Nhưng tôi đề xuất, nên gom lại thành một quỹ mang tên gọi "quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh". Quỹ sẽ hỗ trợ khoảng 2% lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh; hỗ trợ về phí xác nhận xanh.
Thứ năm, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, hỗ trợ nâng cấp hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp.
"Cần miễn thuế trong 3 năm đầu đối với các hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp. Vấn đề này đã chính thức được đưa vào Nghị quyết 68 và dự kiến sẽ được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần hỗ trợ nhóm đối tượng trên trong việc tập huấn, đào tạo, quản trị và điều hành kinh doanh; đơn giản hóa mô hình kinh doanh và thủ tục hành chính; hỗ trợ về sổ sách kế toán và phần mềm quản lý tài chính nhằm giúp các hộ kinh doanh dễ dàng vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả”, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị
Thứ sáu, hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Thứ bảy, hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Mặc dù có sự hỗ trợ đáng kể từ Nhà nước khi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều dự án cơ sở hạ tầng, nhưng với điều kiện Nhà nước chỉ hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc trên cơ sở mức độ đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, không phải theo quy mô.
Thứ tám, đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Cũng theo vị chuyên gia này, cần đặt hàng doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án, công trình lớn, trọng điểm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển thành doanh nghiệp dân tộc, nên theo mức độ đóng góp, thay vì theo quy mô. Tăng tính kết nối, hợp tác, phát triển thị trường, nên bổ sung cơ chế, nguyên tắc phối hợp của các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, các đối tác khác của Nhà nước trong các dự án đầu tư công, dự án PPP; các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia…; có cơ chế, giải pháp hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng.