Nhiều người ví von, thời kỳ đầu, tàu cá 67 là “phao” cứu giúp kinh tế của ngư dân, dần dần “phao” này xẹp hơi, kéo chìm kinh tế của nhiều chủ tàu để họ lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần.
>>Nhà, đất “trôi” theo tàu cá 67
Mới đây, tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều đề xuất để giải quyết những khó khăn liên quan đến tàu cá 67, giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Năm 2016, được hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67, anh Nguyễn Văn Phương (ở phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai) cùng với 5 người góp vốn và vay ngân hàng hơn 13 tỷ đồng, với thời hạn trả 14 năm, để đóng tàu vỏ thép công suất 822CV. Vài năm nay, do khó khăn về nhiều mặt, tàu phải liên tục năm bờ, nợ ngân hàng cũng mới trả được 3 tỷ đồng. “Tiền công cho bạn thuyền ngày càng tăng lên, giá hải sản hạ xuống, sản phẩm đánh bắt chỉ tiêu thụ nội địa không xuất khẩu được nên giá trị lại thấp. Tàu của tôi và nhiều tàu cá 67 cùng địa phương đã nằm bờ 2 đến 3 tháng rồi, không có ai ra khơi đánh bắt cả”- anh Phương than thở.
Không chỉ anh Phương mà có nhiều chủ tàu 67 ở Nghệ An gặp khó khi “vướng” nợ ngân hàng, tính đến 28/2/2021, trong số 104 tàu thì có 59 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết, dư nợ hơn 438 tỷ đồng, dư nợ gốc quá hạn là gần 122 tỷ đồng, đã có 51 khách hàng bị chuyển nợ xấu với dư nợ xấu là 366 tỷ đồng; 6 tàu đã bàn giao xử lý tài sản dư nợ hơn 39 tỷ đồng; 5 tàu không thể hoạt động do gặp rủi ro khi khai thác, dư nợ 39 tỷ đồng. Còn nữa, ở Nghệ An, từ cuối năm 2019 đến nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã không triển khai bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân theo Nghị định 67.
Tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu có 14 hộ tham gia đóng tàu cá 67 thì có 4 chủ tàu bị tòa án khởi kiện và bị kê biên tài sản. Ông Vũ Ngọc Chắt, Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết, do chi phí vận hành, bảo trì, thuê nhân công tăng; ngư trường hạn hẹp, diễn biến thời tiết thất thường, sự quấy nhiễu, cản trở của tàu cá nước ngoài, giá hải sản không tăng…nên đánh bắt không hiệu quả. Khi đóng chi phí trên 10 tỷ thì hiện nay, 4 tàu cá bị phát mãi tài sản, mỗi tàu chỉ còn chưa đầy 2 tỷ. Hội nghề cá cũng đã tham mưu cho chính quyền những kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian từ năm 2021 trở về trước, giá dầu ổn định ở mức thấp, vì vậy các nghề khai thác hiệu quả, sản lượng ổn định, thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của cộng đồng ngư dân.
Nhưng từ những tháng đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao (dầu tăng khoảng 60% so với thời điểm ngày 31/12/2021) kéo các dịch vụ khác tăng theo. Chi phí trung bình mỗi chuyến biển bao gồm: dầu diesel, đá lạnh, lương thuyền viên, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ,… tăng lên từ 40 - 60 triệu đồng so với năm 2021.
>>Nghệ An loay hoay với “tàu 67” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng
Trước những khó khăn của ngư dân liên quan đến tàu cá 67, lãnh đạo một số địa phương ở Nghệ An đã kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá dầu cho bà con trong quá trình đánh bắt và có giải pháp về chính sách mua bảo hiểm tàu thuyền; đề nghị tỉnh có phương án tháo gỡ khó khăn đối với tàu đóng theo Nghị định 67, đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án gia hạn nợ cho ngư dân đóng tàu cá 67.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, hàng năm Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/CP (Ban Chỉ đạo 67) của tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, chính quyền địa phương tổ chức đánh giá lại hiệu quả khai thác, cũng như tìm phương án trả nợ cho đội tàu 67. Các ngành, địa phường đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về chính sách của tàu 67 để người dân hiểu và có trách nhiệm trả nợ phần vay của mình. Còn về chuyên môn, Sở cũng đã hướng dẫn chủ tàu 67 tổ chức sản xuất theo các tổ, đội, HTX, nghiệp đoàn nghề cá trên biển để cùng nhau tìm kiếm ngư trường và giảm bớt kinh phí nhiên liệu trong khai thác.
Được biết, hàng năm Ban Chỉ đạo 67 tỉnh Nghệ An cũng đánh giá tình hình, qua đó, có những kiến nghị đề xuất với Trung ương và các bộ, ngành về khó khăn và hướng tháo gỡ khó khăn cho tàu 67, có phương án giãn nợ cho chủ tàu, tính lại cách trả nợ cho ngư dân, việc bán bảo hiểm cho tàu cá 67. UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa phê duyệt chương trình phát triển thuỷ sản từ nay đến 2025, với định hướng giảm dần số lượng tàu cá ven bờ, vùng lộng và ổn định tàu cá vùng khơi.
Mới đây, tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân của UBND tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã đề nghị, Sở NN&PTNT và chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền đến bà con ngư dân thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủy sản 2017 và theo khuyến nghị của IUU; Sở NN&PTNT chủ trì làm việc với các ngân hàng thương mại, các chủ tàu để phân loại, có hướng giải quyết cụ thể đối với tàu 67; Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngân hàng thương mại để có giải pháp hợp lý đối với tàu 67.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An loay hoay với “tàu 67” nợ xấu hàng trăm tỷ đồng
03:50, 05/07/2022
Lối đi cho tàu 67 ở Nghệ An
11:40, 10/05/2021
Nợ xấu "kéo chìm"... tàu 67
04:09, 20/04/2021
Khánh Hòa: Hàng loạt chủ “tàu 67” bị khởi kiện
16:10, 21/11/2019
Lời giải nào cho tàu 67?
05:05, 17/11/2019
"Tàu 67" làm “nóng” Nghị trường Quốc hội
10:00, 06/11/2019
Dự án "tàu 67": Kiện hay không kiện?
00:00, 15/09/2019
Lênh đênh phận “tàu 67” (Kỳ II): “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
11:30, 12/09/2019