Từ nhiều năm nay, mô hình sấy câu xuất khẩu xã Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) đã nức tiếng khắp vùng, là nghề mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Mùa sấy cau ở Minh Sơn tập trung chủ yếu vào những tháng cuối năm, nhiều nhất vào tháng 10 và 11 trong năm, đây cũng là thời điểm các xưởng hoạt động hết công suất. Hiện tại, toàn xã có 3 xưởng sấy cau, trung bình mỗi xưởng có từ 2 - 3 lò sấy, công suất 10 tấn/mẻ sấy. Nghề sấy cau không quá vất vả nhưng để được một mẻ cau sấy hoàn chỉnh cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Trái cau sau chọn lọc mang luộc từ 2 giờ đồng hồ, sau đó đưa qua sàng sấy đảo cau liên tục trong 5 ngày đêm. Quá trình sấy cau 5 ngày liên tục phải được quan sát, theo dõi cẩn thận để trộn, đảo cho khô đều, kiểm tra đạt tiêu chuẩn để nguội và cho ra lò sấy đóng gói xuất bán.
Hiện tại, giá quả cau tươi trên thị trường đang có giá mua vào 70.000 – 80.000 đồng/kg, còn quả cau khô sau sấy giá thành phẩm tại xưởng từ 370.000 - 400.000 đồng/kg cao gấp nhiều lần so với cau tươi. Bên cạnh đó, các xưởng sấy cau còn tạo việc làm cho 10 – 15 lao động/xưởng, với mức thu nhập đối với công nhân nhặt và phân loại cau từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, công nhân sấy cau từ 9-10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Bùi Thị Hương, người dân tộc Mường xã Minh Tiến, công nhân làm việc tại xưởng sấy cau Khoa Loan cho biết, cô làm ở đây đã nhiều năm, công việc nhặt, lựa chọn cau không có gì vất vả lắm. Chỉ mong mùa thu hoạch sấy cau kéo dài để có thu nhập ổn định.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cau tươi, thương lái phải thu mua ở rất nhiều nơi không riêng gì Thanh Hóa mà còn ở các tỉnh khác như Nghệ An, Hà Tĩnh... Là người đầu tiên “bén duyên” với nghề sấy cau, bà Cao Thị Loan chủ cơ sở thu mua và sấy cau Khoa Loan cho biết: “Nghề sấy cau khô xuất khẩu cũng biến động theo giá cả thị trường, nhưng đối với những ai yêu nghề và nhạy bén với thị trường thì cau sấy chưa năm nào phụ lòng người làm nghề, có khi còn có năm trúng lớn”. Chẳng vậy mà sau hơn 24 năm gắn bó với nghề, đến nay gia đình bà Loan có các lò sấy cau không chỉ riêng Thanh Hóa mà cả trong Hà Tĩnh.
Bà Cao Thị Loan chia sẻ: "Vì năm nay cau mất mùa nên xưởng sấy trong Hà Tĩnh phải tạm đóng cửa và đưa hàng hết về Thanh Hóa hoạt động. Để việc thu mua và có nguồn hàng ổn định hàng năm cở sở sấy của cô Loan liên kết với 13 đại lý thu mua cau và khoảng 100 lao động trèo hái mua cung cứng cho cơ sở mình. Chính vì vậy, cô Loan chia sẻ, để làm được và duy trì nghề này cũng phải có nguồn vốn đầu tư lớn từ 3 đến 4 tỉ. Số vốn này, không chỉ để đầu tư nhà xưởng mà cần vốn gối đầu đến để các đại lý, lao động trong nghề thu mua cau gắn bó với mình".
"Với cái nghề này nếu năm nào được giá, được mùa thuận lợi không chỉ cơ sở mua sấy cau xuất khẩu thu về tiền tỉ mà ngay cả các đại lý cũng có thu nhập bình quan mỗi tháng từ 50 triệu đồng/tháng, với mỗi lao động hái cau cũng kiếm được 20-40 triệu đồng/tháng/người. Trung bình mỗi năm xưởng sấy xuất khẩu từ 45-125 tấn cau khô", Bà Loan chia sẻ thêm.
Theo bà Loan, cau sấy được thương lái Trung Quốc thu mua phục vụ chủ yếu cho chế biến kẹo cau, sau đó xuất khẩu sang các nước có khí hậu lạnh, bởi kẹo cau có tác dụng làm ấm cơ thể. Năm nay, cau tươi mất mùa, giá rất cao, tuy nhiên thị trường Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu thu mua nhiều nên nhiều cơ sở cùng vừa mừng vừa lo.
Ông Đặng Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Các cơ sở sấy cau ở xã đã làm từ rất nhiều năm, mặc dù chỉ giải quyết nguồn lao động thời vụ trong mấy tháng trong năm những thu hút một lực lượng lao động có nguồn thu nhập ổn định khi tới vụ.
Có thể bạn quan tâm