Khi mà các thị trường quốc tế chưa thể phục hồi hoàn toàn thị khách du lịch nội địa sẽ chính là “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp, địa phương trở lại tái thiết các hoạt động.
>>Kiến nghị Trung Quốc mở tour tới Việt Nam
Năm 2022, du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa khi đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với kế hoạch, vượt mức trước dịch.
Thay đổi phương án kinh doanh
Sau đại dịch, các doanh nghiệp, cộng đồng và khách du lịch đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu của du lịch tới môi trường và xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp đã ý thức hơn trong việc xây dựng kế hoạch dài hạn, quản trị rủi ro, tập trung phát triển công nghệ,... để phục vụ khách nội địa.
Cùng với đó, khách du lịch nội địa cũng dần có yêu cầu cao hơn với chất lượng trải nghiệm, mức độ bền vững và có trách nhiệm đối với tất cả các mặt của ngành du lịch như hàng không, lưu trú, ẩm thực. Đặc biệt, du khách quan tâm đến sự an toàn và tốt cho sức khỏe, các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, ngoài trời được tìm kiếm nhiều hơn trước. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có những thích ứng phù hợp so với yêu cầu hiện tại của du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét một số lượng lớn doanh nghiệp du lịch đã từng bước khôi phục hoạt động, thu hút lao động du lịch trở lại làm việc, giải tỏa được sự đóng băng dài trong hơn 2 năm của đại dịch. Cùng với đó, ông Bình cho rằng ngành du lịch đã trở lại với luồng sinh khí mới, từng bước khắc phục thiệt hại, các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp với bối cảnh.
“Tuy nhiên vẫn có các thách thức như số lượng khách tăng cao nhưng chi phí thấp nên doanh thu toàn ngành còn thấp. Vẫn còn tình trạng quá tải ở các điểm du lịch những ngày lễ, ngày nghỉ. Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không tư vấn đầy đủ cho khách đã làm cho tình trạng quá tải và lộn xộn cho du lịch nội địa ngày càng thêm trầm trọng”, ông Bình nhìn nhận.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, do tăng trưởng một cách tự phát nên du lịch nội địa vẫn còn thiếu tính bền vững, rất nặng tính mùa vụ. Sức cạnh tranh của du lịch nội địa Việt Nam vẫn là thấp, yếu tố giá cao, chất lượng dịch vụ còn thấp nên khách nội địa có điều kiện sẽ chuyển sang đi du lịch nước ngoài.
“Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi như giảm thuế, đào tạo nguồn nhân lực, cho vay ưu đãi,... Đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư hoàn thiện các cơ sở lưu trú du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách nội địa và quốc tế. Đẩy mạnh loại hình du lịch MICE, du lịch thể thao để tăng lượng khách mùa thấp điểm. Xây dựng thương hiệu cho các địa phương bằng dịch vụ du lịch như nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe,... nhằm tăng nhanh lượng khách nội địa trong tất cả thời điểm trong năm”, ông Vũ Thế Bình đề xuất.
Hướng đến du lịch bền vững
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam đề xuất phương án liên kết vùng trong việc xây dựng đa dạng các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá văn hóa, ấm thực, sự kiện, lễ hội,... để thu hút du khách. Cùng với đó, các địa phương cũng có thể hình thành sản phẩm du lịch theo đặc trưng của vùng miền kèm chính sách kích cầu phù hợp với xu thế khách để quảng bá rộng rãi cả nội địa lẫn quốc tế.
“Đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch, cần đánh giá các điểm đến thu hút khách trong khu vực để có các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh về điểm đến. Từng bước cải thiện chính sách còn hạn chế liên quan đến du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động tập huấn năng cao kỹ năng phục vụ du lịch, tăng cường quản lý công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động phục vụ du khách tại các khu vực du lịch sinh thái, cộng đồng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong nước phát triển và cạnh tranh lành mạnh”, ông Dũng đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel &Event nhìn nhận doanh nghiệp có thể đặt kỳ vọng vào nguồn khách nội địa cũng như các nước tại khu vực châu Á trong thời gian tới. Theo ông Tư, đây chính là những nhân tố giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tái thiết sản phẩm và có thêm động lực để xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với xu thế mới là các các sản phẩm về du lịch cộng đồng.
“Từ bây giờ, doanh nghiệp hãy xác định rõ đối tượng trọng tâm, thế mạnh nội lực để phát triển sản phẩm chủ đạo, có chiều sâu. Sau đó hãy tính đến việc phát triển thêm các sản phẩm phụ trợ cho các nhóm đối tượng khác. Như thế sẽ góp phần làm tròn trịa hơn cho bản đồ du lịch địa phương cũng như trên cả nước. Nếu chúng ta cứ theo đuổi quá nhiều đối tượng, thị trường, hệ thống sản phẩm,... thì sẽ không mang lại các hiệu quả khả quan”, ông Tư chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm