Kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp về nhận thức bảo vệ thương hiệu do Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn rất mờ nhạt.
Nếu các doanh nghiệp không khắc phục được điểm yếu này sẽ khó xây dựng được thương hiệu, từ đó khó đẩy mạnh được xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.
Theo Bộ Công Thương, khi khảo sát hơn 500 doanh nghiệp về nhận thức bảo vệ thương hiệu, chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa, bỏ qua thị trường quốc tế. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông sản, hiện chỉ có khoảng hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, và có đến 80% doanh nghiệp nông sản Việt chỉ dành 5% doanh số cho việc xây dựng, phát triển bảo vệ thương hiệu. Điều này dẫn đến tình trạng nhãn hiệu hàng hóa bị thương nhân nước ngoài xâm phạm ngày càng tăng.
Cụ thể, mới đây nhất là trường hợp của gạo ST25. Trong 2 năm qua gạo ST25 đạt giải Nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải Nhì năm 2020 nhưng hiện thương hiệu gạo này đã bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ. Như vậy, sau khi bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu, đơn vị trong nước muốn xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, trong một thế giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc xây dựng thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn hàng Việt mở rộng thị trường xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải “mạnh tay” chi cho hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức đeo bám trong cuộc đua đầy tốn kém này, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự cố gắng và ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển và thương hiệu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn có một số doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của thương hiệu nên chưa xây dựng chiến lược marketing 1 cách bài bản, trong đó có việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, có thể do hạn chế về nguồn lực như nhân lực và tài chính mà doanh nghiệp chưa thể tiến hành các thủ tục đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho các sản phẩm của mình trên 1 hoặc tất cả các thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp được khi chúng ta có cả gần 800.000 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ với hàng trăm nghìn sản phẩm thì Chính phủ không thể đủ tiền để chi trả cho việc thuê luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ bản quyền sản phẩm cho các doanh nghiệp. Chính phủ chỉ có thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo hộ thương hiệu trên thị trường, cảnh báo nguy cơ nhãn hiệu sản phẩm bị xâm hại chứ không thể làm thay doanh nghiệp việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu.
“Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ tài sản của mình. Chúng ta đã khuyến khích sự liên kết giữa các nhà trong sản xuất kinh doanh đầu tư trong thời gian qua theo hướng đơn vị nghiên cứu, phát minh, sản xuất thì chỉ nghiên cứu, sản xuất, bên thương mại chính là doanh nghiệp phát triển thị trường”, ông Phú nhìn nhận.
Để thương hiệu Việt có thể được bảo vệ và bước ra thế giới, Ths Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu – BCSI) khuyến cáo, để có thể bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên cả thị trường nội địa và quốc tế, cần sự chung tay của cả các cơ quan quản lý nhà nước và nghiệp.
Theo đó, về phía Nhà nước, cần chú trọng những giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ thông tin giữa những người nông dân trực tiếp sản xuất với các nhà khoa học để nâng cao năng suất lao động, gia tăng sản lượng, sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao và đồng đều. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại cho ngành nông sản.
Đối với các doanh nghiệp, cần quan tâm đến một số giải pháp gồm nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu cho nghiệp. Đồng thời, đầu tư cho máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thêm giá trị cho hàng nông sản.
Tiếp theo, chủ động quảng bá thương hiệu nông sản của doanh nghiệp ra thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các thương hiệu mới khi xâm nhập bất cứ một thị trường nào cũng đều gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, các thương hiệu mới có thể liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi nhằm tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật để thâm nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
Về phía cơ quan chức năng, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: “Bộ Công thương không thể hỗ trợ trực tiếp nhưng có thể tư vấn, đồng hành cùng nhà sản xuất đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ thương hiệu không chỉ cho gạo ST25 mà cho cả các thương hiệu sản phẩm khác của Việt Nam”.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ gia tăng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu. Giám sát việc xâm phạm bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, đăng ký bảo hộ kịp thời.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thông qua mạng lưới chuyên gia, sẽ giới thiệu chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp thương mại quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm xuất khẩu ở những thị trường trọng điểm.
Có thể bạn quan tâm
Công ty CP Đầu tư LDG chính thức thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu mới
08:00, 20/07/2021
Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp có nằm ở dòng chữ “made in”?
08:00, 15/06/2021
Bảo hộ thương hiệu Việt: Vinataba và cuộc bạo chi tiền tỷ tìm lại “chỗ đứng”
04:00, 05/05/2021
Bảo hộ thương hiệu Việt: Bài học từ cà phê Trung Nguyên
04:10, 04/05/2021
Định hình thương hiệu quốc gia
13:47, 03/05/2021