Không chỉ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, theo VCCI, tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử trong Dự thảo Thông tư về hóa đơn, chứng từ của Bộ Tài chính còn bất cập…
Theo đó, cũng tại trả lời Công văn số 8599/BTC-TCT ngày 03/08/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử trong dự thảo còn bất cập.
Theo VCCI, Điều 10 Dự thảo quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử, tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc cẩn trọng bởi các quy định này dường như có dạng của điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, Điều 10 yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định (về thời gian hoạt động, nhân sự, công nghệ) thì mới có thể ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với Tổng cục Thuế. Việc ký kết hợp đồng với Tổng cục Thuế lại là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử. Một doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu trên thì không thể ký kết hợp đồng với bất kỳ doanh nghiệp khách hàng, do không thể truyền dữ liệu đến và đi giữa khách hàng và Tổng cục Thuế.
“Xem xét định nghĩa tại Điều 7.1 Luật Đầu tư, ở khía cạnh nào đó, quy định này cũng yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”, VCCI chia sẻ.
Cũng theo VCCI, có ý kiến cho rằng đây là một dạng đấu thầu dịch vụ (với Tổng cục Thuế), và do đó đây là quy định xem xét năng lực của nhà thầu trước khi ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, lý giải này có thể chưa thực sự thuyết phục ở điểm, về lý thuyết, bên nhận thầu chỉ cung cấp dịch vụ cho mình chủ đầu tư và được chủ đầu tư thanh toán.
Trong khi đó, trường hợp này, việc ký kết hợp đồng dịch vụ lại không nhận lại những điều trên, mà thay vào đó sẽ nhận lợi ích từ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ (khách hàng), hay nói cách khác, việc ký hợp đồng với cơ quan thuế là điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào một thị trường mới.
Từ những phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại các quy định này. Trong trường hợp đây là các điều kiện kinh doanh, cần thực hiện đúng các quy định về bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật về đầu tư.
Ngoài ra, theo VCCI, một số quy định về điều kiện năng lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử cũng cần được xem xét.
Thứ nhất, Dự thảo đang quy định hai điều kiện: số năm hoạt động của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải công khai dịch vụ trên trang điện tử của mình. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy định này dường như không cần thiết vì điều quan trọng khi doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ là năng lực về công nghệ và vận hành công nghệ. Số năm hoạt động của doanh nghiệp, về bản chất, sẽ không thể phản ánh hai nội dung trên.
“Chẳng hạn: tập đoàn A thành lập công ty con chuyên kinh doanh mảng thị trường này và các thị trường liên quan, khi đó, việc xét số năm hoạt động thực chất lại ngăn cản tập đoàn A – có thể là doanh nghiệp công nghệ thông tin có tiếng tham gia cung cấp dịch vụ. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp có thể mua các công ty đã thành lập sẵn (và sau đó đổi tên) để lách các quy định này. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ hai quy định này”, VCCI góp ý.
Thứ hai, Điều 10.2.a.2 Dự thảo quy định tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu phải có tối thiểu 10.000 khách hàng. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp vì như vậy sẽ chỉ cho phép một số doanh nghiệp hiện có trên thị trường có thể tham gia cung ứng dịch vụ này, mà không thể khuyến khích các doanh nghiệp mới tham gia.
Theo VCCI, có thể hình dung quy định này như bài toán “con gà – quả trứng”: doanh nghiệp muốn được cung cấp dịch vụ thì phải có khách hàng, nhưng nếu không được phép kết nối trước với cơ quan thuế thì rất khó có khách hàng nào dám ký hợp đồng với doanh nghiệp đó. Vô hình trung, quy định này, về lâu dài, sẽ giảm yếu tố cạnh tranh, giảm đổi mới, nâng cao công nghệ hay giảm giá thành dịch vụ cho khách hàng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Thứ ba, Điều 10.2.b quy định về điều kiện tài chính, theo đó doanh nghiệp phải có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng với giá trị 5 tỷ đồng, quy định nhằm giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp.
Tuy nhiên, theo VCCI quy định này là không cần thiết bởi các quy định dạng này thường chỉ cần áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, cụ thể: một bên ký kết hợp đồng có vị thế yếu hơn (chẳng hạn, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu lao động ký quỹ để bồi thường cho người lao động) hoặc để giải quyết các tổn thất về môi trường, xã hội… (chẳng hạn, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản).
“Trong khi đó, mối quan hệ giữa hai bên trong trường hợp là mối quan hệ tư, giữa hai bên chủ thể được coi là có năng lực tương đương (giữa các doanh nghiệp với nhau). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI góp ý.
Thứ tư, Điều 10.2.d.3 Dự thảo quy định thời gian kết nối liên tục với Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, có vẻ quy định này là trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ hơn là điều kiện về năng lực để bắt đầu tiến hành cung cấp dịch vụ.
VCCI cho rằng, các điều kiện về năng lực cần chỉ rõ doanh nghiệp cần chứng minh nhóm năng lực nào đó (chẳng hạn: có giải pháp kết nối, có giải pháp chống tấn công mạng…). Còn trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ thường được xác định cụ thể khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng và tiến hành cung cấp dịch vụ, và do đó nên được quy định tại Hợp đồng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo chuyển quy định này xuống phần Hợp đồng mẫu tại Phụ lục 02/TVAN.
Thứ năm, Điều 10.3 Dự thảo quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị ký hợp đồng của tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là Cục Thuế tỉnh nơi tổ chức đặt trụ sở chính và chính Cục Thuế này cũng là đơn vị ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này dường như chưa hợp lý vì như vậy sẽ hạn chế doanh nghiệp chỉ được hoạt động trong phạm vi một tỉnh, thành phố. Nếu muốn mở rộng phạm vi hoạt động, doanh nghiệp phải tổ chức nhiều doanh nghiệp con tại mỗi từng tỉnh, làm phình to bộ máy quản lý và tăng chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, thẩm quyền thuộc về các Cục Thuế là không phù hợp vì doanh nghiệp sẽ bị xem xét lại nhiều lần cùng một nội dung về điều kiện của doanh nghiệp. Việc này vừa tăng chi phí, thời gian của doanh nghiệp, lại có thể tạo ra sự tùy tiện, thậm chí là tiêu cực. Tuy vậy, cũng cần đồng ý rằng Cục Thuế tỉnh mới là đơn vị mà doanh nghiệp sẽ trực tiếp kết nối và cung cấp dịch vụ.
Vì lý do trên, VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: Tổng cục Thuế là đơn vị đứng ra xem xét hồ sơ chứng minh năng lực của doanh nghiệp; nếu đáp ứng, Tổng cục Thuế sẽ tiến hành đàm phán Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp (nếu có điều khoản khác Mẫu 01/TVAN); doanh nghiệp muốn cung ứng tại tỉnh, thành nào sẽ gửi đơn đề nghị ký kết hợp đồng; và trong vòng 10 ngày, Cục Thuế tỉnh sẽ ký kết với doanh nghiệp theo hợp đồng đã được doanh nghiệp và Tổng cục Thuế đàm phán.
Thứ sáu, Điều 10.3 và Điều 10.4 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng, tuy nhiên, các quy định trên vẫn chưa rõ ràng.
Do vậy, để đảm bảo yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung: thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lý của hồ sơ (thường 01-02 ngày khi nhận được hồ sơ); thời gian xem xét hồ sơ; việc trả hồ sơ yêu cầu bổ sung, làm rõ các nội dung của hồ sơ chứng minh năng lực chỉ được thực hiện 01 lần và phải nêu rõ các nội dung cần bổ sung, làm rõ.
Có thể bạn quan tâm
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu
03:33, 14/08/2021
Dự thảo Thông tư về “Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia”: Chưa cụ thể, rõ ràng
03:30, 27/07/2021
Dự thảo Thông tư về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: Còn quy định chưa minh bạch
03:30, 26/07/2021
Dự thảo Thông tư về nhà ở xã hội: Một số quy định còn chưa hợp lý
03:30, 22/07/2021
Dự thảo Thông tư về giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y: Loại phí được giảm… quá ít
03:30, 20/07/2021