Khung khổ pháp luật và các chủ thể tham gia thị trường là hai vấn đề lớn cần được chuẩn hoá, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi quay trở lại “đường đua”.
>>> Thận trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022, tăng mạnh so với cùng giai đoạn năm 2021.
Chia sẻ với DĐDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, sau khoảng thời gian vắng bóng thị trường TPDN sôi động trở lại đưa ra những tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đáng lo.
- Thị trường TPDN đang có dấu hiệu sôi động trở lại, lẽ ra phải là đáng mừng, nhưng các diễn biến vừa qua lại đáng lo, thưa ông?
Đáng mừng là bởi vì đến nay, ngân hàng vẫn đang là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho nền kinh tế, nhưng với đà này thì ngân hàng rất dễ “đột quỵ” khi tiền gửi của khách hàng là ngắn hạn mà ngân hàng lại có nhiều món cho vay trung, dài hạn. Nhất là đối với lĩnh vực bất động sản, có những khoản vay kéo dài từ 10 - 30 năm, ngân hàng “chôn” tiền vào tín dụng bất động sản dài hơi như thế tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh khoản.
Đến một lúc nào đó Ngân hàng Nhà nước không bơm tiền đủ cho các ngân hàng, sẽ dẫn tới câu chuyện tắc nghẽn nguồn vốn, không kịp xoay chuyển để trả cho khách gửi tiền. Vì vậy, thị trường TPDN được xem là một kênh hỗ trợ đắc lực cho thị trường tài chính Việt Nam.
>>> Gia tăng nguy cơ bị thâu tóm
Tuy nhiên điều đáng lo hơn là, hạ tầng cơ sở của thị trường TPDN Việt Nam đang rất thiếu sót, bao gồm những quy định về luật pháp, thị trường, Nghị định 153/2020 của Chính phủ có nhiều lỗ hổng và hiện đang dự thảo sửa đổi nhưng chưa biết khi nào mới ban hành.
Bên cạnh đó, các chủ thể phát hành trái phiếu vẫn còn có những thông tin mơ hồ về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu cứ tung những thông tin đánh bóng tên tuổi, cộng với lãi suất hấp dẫn khách hàng, thì nguy cơ đánh mất niềm tin với nhà đầu tư là hiện hữu. Ngay cả về phía nhà đầu tư, cũng rất nhiều người mang tâm lý đám đông, cảm tính, nhìn thấy các hình ảnh “hoành tráng” của nhà phát hành và lãi suất cao ngất ngưởng, lại thêm được các ngân hàng giới thiệu là xuống tiền đầu tư.
Cuối cùng là trách nhiệm của các cơ quan giám sát chưa thể hiện rõ vai trò trong công tác quản lý của mình. Với tất cả những vấn đề nêu trên, sự nở rộ trở lại của thị trường TPDN khá là đáng lo.
- Ông nhìn nhận thế nào về những động thái quyết liệt vừa qua của cơ quan quản lý?
Vấn đề lớn cần chú ý đó là giáo dục tài chính và cũng là để thượng tôn pháp luật. Việt Nam còn gặp thiếu sót khi nhiều người mang tâm lý “lách luật được là lách”.
Việc đầu tiên là Nghị định 153/2020 sửa đổi cần phải điều chỉnh và nhanh chóng ban hành. Trong đó, có một vài điểm nên được bổ sung, hoàn thiện hơn bao gồm: Thứ nhất, tất cả những nhà phát hành trái phiếu, trong bản cáo bạch phải đưa ra mục đích sử dụng vốn, có cơ chế để người mua trái phiếu có thể kiểm soát được hoạt động này.
Thứ hai, các hợp đồng trái phiếu cần cụ thể hoá phương án trả nợ như thế nào. Thực tế lâu nay, đây vẫn là vấn đề thiếu sót cho cả hệ thống tài chính Việt Nam khi không xác định rõ được nguồn trả nợ của nhà phát hành đến từ đâu.
Thứ ba, phát triển các công cụ tài chính bổ sung giúp nhà đầu tư yên tâm tham gia thị trường là xếp hạng tín nhiệm. Vấn đề này đã được nhắc đến rất nhiều, rằng cần thiết có một tổ chức đánh giá năng lực của nhà phát hành trong suốt quá trình đầu tư.
Thứ tư, Nghị định 153 nên đưa ra quy định là nhà phát hành phải có cam kết tài chính trong suốt vòng đời của trái phiếu theo hợp đồng ký kết với nhà đầu tư. Ví dụ, trong suốt vòng đời trái phiếu thì vốn chủ sở hữu, lợi nhuận tối thiểu phải đạt được bao nhiêu hay tính thanh khoản phải theo những chỉ tiêu nào? Trong quá trình này, nhà đầu tư sẽ luôn luôn theo dõi báo cáo tài chính của nhà phát hành, xem các nhà phát hành có tuân thủ cam kết hay không; nếu không họ có quyền yêu cầu được mua lại trái phiếu trước hạn.
- Từ kinh nghiệm thực tiễn lâu năm của mình, ông có những đề xuất gì để thị trường TPDN ngày càng chuẩn hoá và lành mạnh hơn?
Để lành mạnh hoá thị trường có hai vấn đề lớn cần chuẩn hoá kịp thời đó là khung khổ pháp luật và chủ thể tham gia thị trường. Hiện tại có nhiều doanh nghiệp muốn xếp hạng tín nhiệm, nhưng còn chần chờ xem quy định cụ thể có yêu cầu hay không trong khi đây là điều cần thiết. Do đó, Nghị định của Chính phủ phải sớm ra đời, tạo ra sự ổn định trong khuôn khổ phép tắc.
Cùng với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, điều hành. Phải công khai hóa các doanh nghiệp vi phạm bên cạnh những vụ việc lớn như vừa qua, còn có những sai phạm nhỏ nhưng nhiều người không biết đến.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Huy động vốn trái phiếu quốc tế nhìn từ Vingroup
15:02, 26/07/2022
Phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp
13:00, 26/07/2022
Áp lực trả nợ đè nặng doanh nghiệp phát hành trái phiếu
05:23, 25/07/2022
Đẩy mạnh công tác quản lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
11:00, 21/07/2022
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng 6 là ai?
05:15, 14/07/2022
Làm sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt chuẩn?
00:15, 14/07/2022