Theo khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, các khó khăn tiếp theo của thị trường bất động sản khiến nền kinh tế bị “bóp nghẹt” và buộc các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực khôi phục niềm tin.
>>Bất động sản Việt Nam có tránh được "vết xe đổ" của Trung Quốc?
Niềm tin vào lĩnh vực bất động sản, chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng vào năm ngoái sau khi nhiều người mua nhà đe dọa ngừng trả các khoản vay lãi suất thế chấp vì các nhà phát triển không thể xây dựng các dự án nhà ở hình thành trong tương lai và bàn giao tài sản đúng hạn.
Trong cuộc khảo sát với 12 chuyên gia kinh tế do Reuters thực hiện mới đây, phần lớn trong số này nhận định giá nhà mới tại Trung Quốc sẽ không tăng trong năm 2023. Con số này đã giảm so với mức dự đoán trung bình tăng 1,4% được đưa ra trong một cuộc khảo sát vào tháng 5.
Kết quả cuộc khảo sát cũng đã nhấn mạnh sự khó khăn mà lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang đối mặt. Điều này khiến nền kinh tế bị “bóp nghẹt” và buộc các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực khôi phục niềm tin.
Wang Xingping - chuyên gia phân tích cấp cao tại Fitch Bohua cho biết, sự chậm lại trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc và việc người dân hạn chế chi tiêu cho thấy niềm tin trên thị trường vẫn chưa được phục hồi.
Trong khi đó, nhà phân tích Ma Hong tại Viện nghiên cứu đầu tư Zhixin cũng cho biết, các chuyên gia ước tính rằng mỗi điểm phần trăm giảm trong khối lượng đầu tư bất động sản có thể kéo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay xuống 0,1 điểm phần trăm.
Gao Yuhong, chuyên gia phân tích cấp cao tại CSCI Pengyuan Credit Rating Limited cũng đưa ra nhận định rằng các thành phố lớn nhất dự kiến sẽ nới lỏng các hạn chế về lĩnh vực bất động sản ở một số vùng ngoại ô, “nhưng khó có thể cứu toàn bộ lĩnh vực bất động sản khỏi chiều hướng đi xuống”.
Có tới 7 trong số 12 nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát mới nhất của Reuters nhận định khả năng mua nhà của những người mua nhà lần đầu sẽ được cải thiện trong năm tới. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Xing Zhaopeng của ANZ cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên hiện nay có thể là vấn đề gây ảnh hưởng tới tỷ lệ người mua nhà lần đầu.
Chính phủ Trung Quốc đã dừng việc công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, con số đã đạt mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây, mà các nhà phân tích cho rằng một phần đến từ việc các công ty bất động sản hàng đầu lao dốc.
>>Triển vọng giải cứu bất động sản Trung Quốc vẫn mờ mịt
Đáng chú ý, các nhà quan sát cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng chuyển biến tích cực của ngành bất động sản Trung Quốc trong thời gian tới, bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ.
Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua Bắc Kinh và Thượng Hải cũng hạ lãi suất thế chấp tối thiểu đối với người mua nhà lần đầu. Các động thái ở hai thành phố lớn nhất của Trung Quốc diễn ra sau những đợt cắt giảm tương tự trong tuần này tại Quảng Châu và Thâm Quyến, và diễn ra sau khi chính quyền tuyên bố cắt giảm cả lãi suất và tỷ lệ trả trước cho các khoản thế chấp.
Các nhà hoạch định chính sách đã tăng tốc các biện pháp mới để hỗ trợ tiền tệ và nền kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm hơn 1/4 hoạt động kinh tế ở nước này.
Nhưng những câu hỏi về triển vọng của các nhà phát triển bất động sản thiếu thanh khoản đã làm giảm nhu cầu đối với chứng khoán Trung Quốc và khiến các ngân hàng đầu tư hạ dự báo về sức mạnh của đồng nhân dân tệ.
Hôm thứ Sáu (31/8), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm lượng ngoại tệ mà các tổ chức tài chính bắt buộc phải giữ dự trữ.
Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Westpac cho biết: “Đây là một cuộc chiến rất khó khăn đối với chính quyền Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin vào đồng nhân dân tệ do sự kết hợp giữa đồng đô la phục hồi và dữ liệu nội địa yếu kém từ lĩnh vực bất động sản”.
Song, John Lam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông tại UBS cho biết, điều này có thể giúp củng cố kỳ vọng về giá nhà ở các thành phố lớn nhất.
“Việc nới lỏng chính sách quốc gia như thế này có thể giúp khôi phục kỳ vọng của người mua nhà về giá bất động sản, đặc biệt là tại các thành phố cấp 1”, ông nói trong một báo cáo nghiên cứu mới đây.
Nomura cho biết, các biện pháp này có thể mang lại “thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi” cho thị trường nhà đất nhưng tác động có thể “ngắn ngủi” do các hạn chế khác đối với giao dịch nhà ở và nguồn cung đất đai vẫn được áp dụng ở các thành phố lớn.
Trong khi đó, các yếu tố khác bao gồm xuất khẩu giảm, địa chính trị và niềm tin suy yếu cũng sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng.
Nomura cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù các biện pháp nới lỏng này rất được hoan nghênh nhưng chúng chắc chắn không đủ để xoay chuyển tình thế hoàn toàn. Trung Quốc có thể sẽ phải đưa ra các biện pháp nới lỏng thị trường bất động sản mạnh mẽ hơn để mang lại sự phục hồi thực sự”.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản Việt Nam có tránh được "vết xe đổ" của Trung Quốc?
11:18, 01/09/2023
Thách thức của bất động sản Trung Quốc
05:00, 31/05/2023
Bất động sản Trung Quốc: Cú vấp "ba lằn ranh đỏ" và bài học cho Việt Nam
03:00, 13/03/2023
Hiểu đúng về 16 điểm chính sách “giải cứu” bất động sản Trung Quốc
05:30, 16/11/2022
Triển vọng giải cứu bất động sản Trung Quốc vẫn mờ mịt
11:59, 09/08/2022