Trong chính sách ngoại giao của mình, Trung Quốc đã và đang đi theo lộ trình từ kinh tế sang an ninh với Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) nhằm thay đổi trật tự an ninh thế giới.
>>Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ- Thái Bình Dương
Trong tương lai, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ ngày càng được xác định rõ ràng hơn bằng sự khẳng định lợi ích của nước này và khám phá những con đường mới dẫn đến sức mạnh toàn cầu, vượt qua được các điểm nghẽn do phương Tây kiểm soát.
Việc tái định hướng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh kể từ khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine được thể hiện rõ ràng trong một số lĩnh vực. Ở cấp độ cao nhất, vào đầu năm nay, Trung Quốc công bố một khuôn khổ chiến lược mới mà nước này gọi là “sáng kiến an ninh toàn cầu” (GSI). Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng GSI đã củng cố một số khía cạnh trong quá trình hình thành khái niệm đang phát triển của Bắc Kinh về trật tự toàn cầu.
Ông Jude Blanchette, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng mặc dù GSI có thể không đạt được nhiều sức hút ở Tokyo, Canberra hoặc Brussels, nhưng có tiếng vang ở Jakarta, Islamabad và Montevideo, nơi mà sự thất vọng về các yếu tố trật tự do Mỹ dẫn đầu đang dần trở nên rõ ràng. Đồng thời, GSI cho thấy nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm làm suy giảm lòng tin quốc tế đối với Hoa Kỳ và tạo ra một nền tảng mà Trung Quốc có thể tăng cường quan hệ đối tác.
Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tự tin về hệ thống chính trị cũng như sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của mình, thì họ cũng thừa nhận rằng nước này vẫn phụ thuộc vào hàng hóa và nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển và tăng năng lực quân sự.
"Bắc Kinh đang tiến nhanh tới việc làm sâu sắc và mở rộng quan hệ đối tác để tăng khả năng chống chịu đối với các lệnh trừng phạt nhằm đảm bảo rằng họ không đơn độc trong thời kỳ khó khăn", học giả Trung Quốc Yuan Zheng nhận định.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quan tâm đến việc củng cố các khối liên minh với các quốc gia ủng hộ - hoặc ít nhất là không ủng hộ Hoa Kỳ, đứng đầu là nỗ lực củng cố và mở rộng BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi- để cạnh tranh với Nhóm Bộ Tứ, G7 và G20.
Đặc biệt, Bắc Kinh đang tìm cách biến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bao gồm cả Nga, thành một khối hùng mạnh để từ đó có thể tận dụng các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự của các quốc gia thành viên. Theo đó, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một hiệp định thương mại tự do và ngân hàng SCO. Mặc dù những ý tưởng này gặp nhiều khó khăn vào năm ngoái, nhưng năm nay, SCO đã tiến hành thảo luận về nhu cầu tăng cường tương tác giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là về an ninh quốc tế và hợp tác kinh tế.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm kéo dài khoảng 10 ngày đến các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương để thúc đẩy các hợp tác an ninh tại khu vực, trong đó một trong những kết quả nổi bật của chuyến đi này là Hiệp ước An ninh Đảo Solomon - Trung Quốc.
>>Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan: Trung Quốc cảnh báo Mỹ đùa với lửa!
Các chuyên gia cho rằng, tất những động thái nói trên của Trung Quốc nhằm nỗ lực theo đuổi lợi ích quốc gia thông qua hình thành mạng lưới liên minh và đối tác quân sự. Đặc biệt với GSI, Trung Quốc tham vọng thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình một cách toàn diện hơn. Điều này đã và đang thách thức cấu trúc an ninh toàn cầu do Mỹ và các đồng minh thiết lập từ nhiều năm nay. Chẳng hạn, quy tắc “an ninh không chia rẽ” và mục tiêu thiết lập một kiến trúc an ninh bền vững của GSI được cho là nhắm vào Mỹ và các đồng minh.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cũng có những bước đi mới nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu, đặc biệt đối với các dự án trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hay các khoản viện trợ, đầu tư phát triển mà Trung Quốc cung cấp cho các nước thu nhập thấp. Các sáng kiến của Mỹ, như Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W), Mạng lưới chấm xanh (Blue Dot) được cho là đều nhằm tới trở thành đối trọng với sáng kiến BRI của Trung Quốc...
Liệu những động thái gần đây của Trung Quốc có giúp thay đổi cán cân và sức mạnh theo hướng của họ có hiệu quả không? Ông Jude Blanchette cho rằng vẫn còn phải xem liệu GSI sẽ thay đổi cơ bản trật tự quốc tế, hoặc thậm chí trở thành một trụ cột chính trong cách tiếp cận quản trị toàn cầu của Trung Quốc hay không. Đây là một vấn đề quan trọng mà Bắc Kinh sẽ phải tìm cách giải quyết sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.
"Nếu được thực hiện tốt, sáng kiến GSI chắc chắn gây khó khăn cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và các đồng minh. Nhưng những nỗ lực này cần có thời gian đáng kể và cũng có thể bị phá sản nếu Bắc Kinh đối mặt với sự phản đối hoặc dè dặt của quốc tế", ông Jude Blanchette nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Mối nguy cơ từ việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
05:00, 05/08/2022
Sáng kiến Vành đai Con đường Kỳ I: Rủi ro vay nợ Trung Quốc
16:58, 04/08/2022
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc đè nặng lên giá hàng hoá toàn cầu
05:00, 04/08/2022
Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan: Trung Quốc cảnh báo Mỹ đùa với lửa!
03:00, 03/08/2022
Tại sao chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi lại quan trọng đối với Trung Quốc?
22:24, 02/08/2022