Bên cạnh cam kết hỗ trợ thuế và cắt giảm chi phí tài chính, Trung Quốc đưa ra cam kết hạn chế rủi ro lạm phát bằng cách giám sát và ngăn chặn đầu cơ trên thị trường hàng hóa...
Chính phủ Trung Quốc lo ngại giá hàng hóa cao có thể được chuyển tác động qua các doanh nghiệp nhỏ và cuối cùng là đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, lãnh đạo nước này cho biết, sẽ đẩy mạnh các nỗ lực để kiềm chế giá hàng hóa tăng nhanh và ngăn chặn lạm phát, đồng thời cam kết có nhiều biện pháp cụ thể hơn để chống lại các “giao dịch bất thường” và “đầu cơ độc hại”.
Tại cuộc họp do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì mới đây, Hội đồng Nhà nước nhấn mạnh, sẽ chú ý hơn đến tác động bất lợi của giá cao và triển khai phương pháp tiếp cận hai hướng để ổn định thị trường bao gồm: Tăng nguồn cung và tăng cường giám sát.
“Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp toàn diện để đảm bảo nguồn cung, hạn chế sự tăng giá bất hợp lý và cố gắng ngăn chặn chúng chuyển sang giá tiêu dùng”, cơ quan điều hành tuyên bố.
Theo đó, giá cả hàng hóa và các nguyên liệu thô công nghiệp quan trọng như quặng sắt, thép, niken và đồng đã tăng phi mã nhờ nới lỏng tiền tệ toàn cầu và nhu cầu cao khi các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong một phân tích của Fitch Ratings chỉ ra, các khoản nợ Chính phủ sẽ tiếp tục tăng lên để đạt tổng số 95 nghìn tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu vào năm tới.
Đầu tháng trước, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Trung Quốc đã nhấn mạnh mối quan ngại về những rủi ro kinh tế tiềm ẩn, liên quan đến giá hàng hóa cao và nguy cơ lạm phát. Cụ thể, giá hàng hoá tại nhà máy của nước này đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4, với giá tiêu dùng tăng 0,9% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát cả năm là 3%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã hạ thấp rủi ro lạm phát nhập khẩu trong báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ của mình. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại thời điểm này là giá hàng hóa cao đang được chuyển sang nhà sản xuất nhỏ, những người chưa hoàn toàn hồi phục sau những cú sốc của đại dịch.
Hội đồng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường giám sát thị trường và tăng cường giám sát các hiệp hội công nghiệp, vốn chủ yếu do chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
“Chúng ta phải giúp các thực thể thị trường, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cùng các doanh nghiệp tự doanh. Cần các biện pháp có mục tiêu vào thời điểm thích hợp, để sàng lọc các giao dịch bất thường và đầu cơ độc hại. Các hành vi như các thỏa thuận độc quyền, truyền bá thông tin sai lệch, tăng giá và đặc biệt là tích trữ và trục lợi phải bị điều tra và trừng phạt,” Hội đồng Nhà nước cho biết trong cam kết thực hiện lời hứa cắt giảm thuế và hỗ trợ tài chính.
Giới chuyên gia đánh giá, việc thúc đẩy sự ổn định có thể dẫn đến những can thiệp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bằng chứng là cuối tuần trước, chính quyền thành phố Thượng Hải và Đường Sơn, nơi sản xuất khoảng 13% lượng thép của Trung Quốc vào năm ngoái, đã ra lệnh cho các nhà máy địa phương phải “bảo vệ trật tự thị trường”.
Có thể thấy, Trung Quốc là nước mua dầu thô, quặng sắt và kim loại màu lớn nhất thế giới, khiến nước này phải chịu áp lực lạm phát quốc tế. Mặt khác, phần lớn các ngành công nghiệp thượng nguồn của Trung Quốc đều do Chính phủ kiểm soát, tạo cơ hội cho nước này có thể can thiệp vào thị trường một cách dễ dàng.
Sau các tuyên bố của Hội đồng Nhà nước, giá thép cây giao sau đã được giao dịch nhiều nhất tại Thượng Hải, lượng hàng dự kiến giao vào tháng 10 đã giảm 8% vào sáng ngày 20/5. Nhóm cổ phiếu thép và kim loại màu cũng giảm điểm, trong đó, đơn vị niêm yết của nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc - China Baowu Steel Group đã giảm tới 6% trong phiên giao dịch buổi sáng và phục hồi trở lại vào buổi chiều.
Zhang Yongjun, một nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Giao dịch Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho biết, đợt tăng giá hàng hóa hiện nay có liên quan đến việc in tiền ở các nền kinh tế phương Tây. Tác động của nó đến giá tiêu dùng Trung Quốc cho đến nay vẫn còn nhỏ.
“Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải cẩn thận với việc cắt giảm kích thích trong khi triển khai các biện pháp có mục tiêu hơn. Sẽ là tốt nếu thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế đà tăng giá nhanh, nhưng làm như vậy có thể tác động đến nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn vốn chưa phục hồi về mức trước đại dịch”, Zhang Yongjun nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Tiền tệ kỹ thuật số quốc gia - “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc
14:05, 22/05/2021
Dấu mốc mới cho cuộc đua vào không gian của Trung Quốc
00:19, 21/05/2021
Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm CBDC lên tới 4,6 triệu USD
11:00, 27/01/2021
Cuộc đua CBDC sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính toàn cầu?
05:20, 12/01/2021