Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức ngừng phát hành báo cáo thường niên Doing Business (Môi trường kinh doanh các nước) do một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Cụ thể, kết luận của một cuộc điều tra độc lập của Công ty luật Wilmerhale dựa trên phân tích 80.000 tài liệu và phỏng vấn với hàng chục nhân viên và cựu nhân viên khẳng định, bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi còn làm tại WB đã ép các nhân viên thay đổi báo cáo để cải thiện thứ hạng của Trung Quốc.
Báo cáo trích dẫn "áp lực trực tiếp và gián tiếp" từ các nhân viên cấp cao trong văn phòng của Chủ tịch WB lúc bấy giờ là Jim Yong Kim để thay đổi phương pháp luận của báo cáo để nâng cao điểm số của Trung Quốc trong “Doing Business 2018” của ngân hàng và của các quốc gia khác trong báo cáo năm 2020. Do đó, vị trí của Trung Quốc trong báo cáo năm 2018 đã tăng 7 bậc, từ vị trí 85 lên vị trí 78.
Điều này được thực hiện vào thời điểm mà ngân hàng này đang tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với việc tăng vốn lớn, dựa trên một thoả thuận giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi đó, việc này cần sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump đã phản đối chuyện cho Bắc Kinh vay ưu đãi, trong khi Trung Quốc đồng ý trả thêm lãi để vay.
Bên cạnh đó, trao đổi với Reuters, Paul Romer, cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết, bà Georgieva đã "gạt" ông khỏi việc thực hiện các biện pháp cải tiến để đảm bảo tính toàn vẹn trong nghiên cứu của tổ chức này. Ông Romer cho biết thêm rằng, bà Georgieva cũng đã tìm cách gạt bỏ mối quan ngại của ông về những dữ liệu của Chile trong báo cáo, khi ông cho rằng có thể đã có sự thiên vị đối với quốc gia này.
Bà Georgieva đã báo cáo với ban lãnh đạo của IMF về tình hình trên; đồng thời bác bỏ những cáo buộc nói trên. Bà cũng cho biết thêm, cáo buộc này có thể tổn hại đến uy tín của bà, đồng thời tạo thêm cơ sở cho cáo buộc lâu nay của Mỹ về cách các tổ chức đa phương ứng xử với Trung Quốc.
“Tôi cơ bản không đồng ý với kết luận và cách diễn giải cuộc điều tra về những bất thường dữ liệu liên quan đến vai trò của tôi trong Báo cáo kinh doanh của WB năm 2018”, bà Georgieva nói trong tuyên bố vừa đưa ra.
Doing Business là một báo cáo về môi trường kinh doanh được WB đưa ra nhắm giúp các quốc gia đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và cho phép các bên liên quan đo lường các cải tiến kinh tế và xã hội chính xác hơn. Những nghiên này cũng là một công cụ có giá trị cho khu vực tư nhân, xã hội dân sự, học viện, nhà báo và những người có liên quan mở rộng hiểu biết về các vấn đề toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, việc WB ngừng đưa ra bản báo cáo thường niên này có thể khiến các nhà đầu tư khó đánh giá về môi trường kinh doanh của các quốc gia. Đã có một số nhà đầu tư và các nhà vận động bày tỏ sự thất vọng đối với WB sau khi thông tin được đưa ra.
Một số ý kiến cho rằng, các báo cáo tương tự của WB và các tổ chức khác, mặc dù rất hữu ích nhưng từ lâu đã dễ bị thao túng. Một số chính phủ, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi muốn chứng minh sự tiến bộ và thu hút đầu tư, dễ nảy sinh những lo ngại về xếp hạng của họ trong các báo cáo.
Nghiên cứu trước đây của WB cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn đối với các nền kinh tế được đánh giá tốt hơn trong báo cáo của mình. Charles Robertson, nhà kinh tế trưởng tại Renaissance Capital cho biết, điều này dẫn tới việc các quốc gia đã thành lập đội ngũ các chuyên gia kinh tế, và thậm chí cả các cựu lãnh đạo chính phủ để tư vấn cho họ về cách cải thiện thứ hạng trong các báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của WB.
Ông Tim Ash tại BlueBay Asset Management cho biết, các báo cáo Doing Business được WB công bố từ năm 2003 đã trở nên quan trọng đối với các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ông nhận định, khi các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, báo cáo từ các định chế tài chính như WB là một tài liệu hữu ích để hiểu được những vấn đề tiềm ẩn và sau đó họ có thể tiến hành các công việc sau đó.
“Các dòng tiền và các khoản đầu tư sẽ được phân bổ sau khi các nhà lãnh đạo nghiên cứu báo cáo của WB. Nếu không xử lý thận trọng, vụ việc lần này sẽ làm gia tăng những nghi ngờ về tính minh bạch của các báo cáo do WB cung cấp, đặc biệt là với các thị trường mới nổi.", ông Tim Ash nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Cải cách thuế "lên điểm" trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB
07:30, 04/11/2018
WB: Việt Nam có thể áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn
11:00, 17/05/2021
WB: Sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hiệu quả vaccine của các nền kinh tế
04:00, 27/03/2021
Có gì trong cuộc họp thường niên 2020 của IMF và WB?
05:05, 14/10/2020
WB: Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước
13:00, 22/09/2020