Khi căng thẳng Mỹ- Trung đang có xu hướng giảm, ngày càng có nhiều dự đoán rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ thực hiện hai chuyến công du cấp cao trong những tháng tới.
>>Hướng đi mới của ngành công nghệ Trung Quốc
Theo giới quan sát, có khả năng ông Tập sẽ có chuyến công du đầu tiên tới San Francisco, Mỹ để tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11/2023, nơi ông gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden sau lần cuối họ gặp nhau gần một năm trước ở Bali, Indonesia.
Ông Tập cũng có thể tham dự cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc tại Dubai vào cuối tháng 11 trong bối cảnh có những lời kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong vấn đề này.
Cả hai chuyến đi đều chưa được Bắc Kinh xác nhận. Nhưng đã có nhiều cuộc thảo luận về tầm quan trọng của chuyến thăm San Francisco của ông Tập khi so sánh với chuyến đi năm 1993 của ông Giang Trạch Dân tới hội nghị thượng đỉnh APEC đầu tiên ở Seattle, đánh dấu một bước ngoặt cho quan hệ song phương Mỹ- Trung trong thời kỳ hậu Thiên An Môn.
Nhiều ý kiến trái chiều cũng xoay quanh việc liệu ông Tập có tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để khai mạc COP28 hay không. Nếu được xác nhận, đây có thể là một động thái thông minh khác cả về khí hậu và địa chính trị. Ông Tập đã tham dự cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2015 tại Pháp, nơi đã đạt được Thỏa thuận Paris lịch sử.
Vào tháng trước, một báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá tiến trình hướng tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris cho biết thế giới đang đi chệch hướng trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng có những tác động tiêu cực và gây bế tắc về nguồn tài chính dành cho khí hậu.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã tỏ ra bi quan về COP28 khi chỉ ra rằng còn thiếu tiến bộ trong việc hạn chế mức nhiệt tăng cao; đồng thời cảnh báo rằng thành công của COP28 sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu Bắc Kinh và Washington có thể hợp tác hay không.
Hiện đã có những dấu hiêu khả quan về hợp tác khí hậu song phương. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, ông Sultan Ahmed al-Jaber, Chủ tịch COP28, đã kêu gọi Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc giúp hội nghị về khí hậu đạt được sự “thành công lịch sử”. Khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Jaber rằng Bắc Kinh sẽ đảm bảo các cuộc trao đổi sẽ đạt được kết quả tích cực.
Trước đó, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính đã có cuộc gặp với đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry ở New York. Theo báo cáo từ Trung Quốc, ông Hàn cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc và tăng cường hợp tác với Mỹ, chung tay thúc đẩy chống biến đổi khí hậu và cùng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của con người”.
Tương tự, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết hai bên đã “thảo luận về tầm quan trọng đặc biệt của các nỗ lực song phương và đa phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm cả việc thúc đẩy COP28 thành công”.
>>Bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc tại Trung Đông
Giới quan sát cho rằng cuộc gặp giữa ông Han và ông Kerry dường như đã được sắp xếp để tạo thêm động lực cho các cuộc đàm phán về khí hậu có thể dẫn đến thỏa thuận Mỹ-Trung trong chuyến tham dự Hội nghị APEC của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Shi Jiangtao, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc nhận định, nếu hai bên đạt được thỏa thuận, đây sẽ là động lực lớn cho COP28, và nếu ông Tập xuất hiện ở Dubai, điều đó có thể giúp phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán, cũng như củng cố tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản để Trung Quốc đưa ra một thỏa thuận tham vọng khi quốc gia này đang phải đối mặt với những chỉ trích về việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than để thúc đẩy nền kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19, và phục vụ mục đích đảm bảo an ninh năng lượng sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.
Theo Ngân sách Carbon Toàn cầu 2022, Trung Quốc đang tạo ra khoảng 30% tổng lượng khí thải của thế giới – nhiều hơn cả Mỹ, Liên minh Châu Âu và Ấn Độ cộng lại.
Các nhà quan sát cho rằng các cam kết và hành động đầy tham vọng về khí hậu của chính phủ Trung Quốc có thể diễn ra sau các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc, điều này sẽ giúp Bắc Kinh xóa bỏ hình ảnh quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn nhất thế giới và thay vào đó tự tái khẳng định mình là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong việc chống biến đổi khí hậu.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc trỗi dậy lần thứ hai của doanh nghiệp Trung Quốc
04:30, 03/10/2023
Hướng đi mới của ngành công nghệ Trung Quốc
03:30, 03/10/2023
Trung Quốc- "động lực" mới của kinh tế Nga
04:30, 01/10/2023
Mỹ và Phương Tây "tụt hậu", Trung Quốc sẽ "bá chủ" ô tô điện?
03:30, 01/10/2023
Làm gì khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc?
01:00, 01/10/2023