Đời sống ngột ngạt, các chỉ số kinh tế kém khả quan và thời cơ quốc tế thuận lợi là 3 nguyên nhân khiến Trung Quốc từ bỏ dần chính sách zero- COVID.
>>Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Lặp lại “vết xe đổ” của Nhật Bản?
Toàn cầu đã chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bệnh COVID-19 từ tháng 4 năm nay, nhưng Trung Quốc không muốn như vậy. Giới lãnh đạo nước này vẫn thực thi chính sách kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, hướng tới mục tiêu hoàn toàn sạch dịch (zero COVID) mới tuyên bố bình thường hóa mọi hoạt động.
Phong tỏa quá lâu khiến đời sống trong nước ngột ngạt, tiếng nói phản kháng mạnh dần lên. Ngày 7/12 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố người dân sẽ không còn cần phải xuất trình các kết quả xét nghiệm virus âm tính hoặc mã số sức khỏe để đi lại giữa các vùng khác nhau. Trừ khi một khu vực được chỉ định là có rủi ro cao, đi lại và sản xuất tại không bị cản trở.
Những năm gần đây, Bắc Kinh luôn tiếp cận các vấn đề toàn cầu khác với phần còn lại, ví dụ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến dự COP26- hội nghị bàn về khí hậu quan trọng nhất lịch sử; thuộc nhóm thiểu số cường quốc không phản đối cuộc chiến Nga - Ukraine,…
Đặc biệt, cách chống dịch cổ điển một lần nữa cho thấy, Trung Quốc rất tự tin vào khả năng của họ. Đó là gì? Thị trường nội địa khổng lồ, dự trữ ngoại hối dồi dào, hàng nghìn công ty đa quốc gia không muốn rời đi. Nhưng quan trọng hơn cả là phép thử khả năng giải quyết những vấn đề lớn.
Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm chứng lại sức mạnh kinh tế của họ. Những khó khăn họ gặp phải ở trong nước cũng chính là vấn đề toàn cầu: Đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng hóa, nguyên nhiên liệu,… gây ra lạm phát, khủng hoảng khắp nơi. Trung Quốc bây giờ quá quan trọng với nền kinh tế thế giới.
Hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng, “zero- COVID” tức là Trung Quốc khoanh tay ngồi nhìn. Những ô cửa rất lớn của Trung Quốc vẫn mở ra dõi theo tình hình và phản ứng rất mau lẹ. Trung Quốc chi hàng tỷ USD mua dự trữ dầu Nga; ký thành công hợp đồng khí đốt, dầu thô khổng lồ với Qatar, Iran; từng bước thâu tóm lợi ích chiến lược với Trung Á, Nam Á, kéo Nga vào liên minh tài chính, và tham chiếu một chính sách “thủ lợi vi tiên” cho Ấn Độ.
>> Nhiều doanh nghiệp FDI "tháo chạy" khỏi Trung Quốc vì zero COVID
Các nhà ngoại giao con thoi Trung Quốc liên tục bay đi bay về giữa Trung Đông, vùng Nam Thái Bình Dương để thỏa thuận hợp tác kinh tế, quốc phòng, hàng hải. Trong hơn 3 năm đại dịch, Bắc Kinh đã hoàn thành khối lượng công việc ngoại giao khổng lồ, đặt ảnh hưởng ngày càng rộng.
Trung Quốc cho thấy sự ổn định dựa trên thể chế chính trị duy nhất, toàn năng. Trong khi đó, phương Tây bận bịu với chiến sự Nga - Ukraine, sức mạnh tổng quan của Mỹ có dấu hiệu giảm sút, còn EU cũng bộc lộ một liên minh cũ kỹ chậm chạp, bất ổn an ninh quốc phòng, năng lượng.
Sự sẵn sàng trở lại của Trung Quốc một phần do áp lực chính trị - xã hội trong nước, ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực, khởi đầu nhiệm kỳ thứ 3 và trên đà xây dựng hình ảnh lãnh tụ nhân dân. Nhượng bộ tiếng nói phản kháng là nước đi khôn ngoan của lãnh đạo nước này.
Các chỉ số kinh tế Trung Quốc không như dự báo hồi đầu năm nay, xuất khẩu của nước này giảm 8,7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tháng 11 giảm 10,6%, so với mức giảm 0,7% trong tháng 10.
Mặt khác, thời cơ chín muồi để Trung Quốc thể hiện vai trò sau khi tích lũy đủ năng lực chống lạm phát và suy thoái kinh tế. Đồng Nhân dân tệ đã hồi phục mạnh so với USD trong những phiên giao dịch gần đây; tiếp đến, họ dự trữ đủ năng lượng cần thiết...
Nới lỏng hoạt động toàn diện là động thái đánh dấu bước thay đổi lớn của nền kinh tế số 2 thế giới, tất cả đang trông chờ “công xưởng toàn cầu” tái kết nối với guồng quay, bởi suy cho cùng Trung Quốc là mảnh ghép không thể thiếu.
Có thể bạn quan tâm