Xây nhà ở cho công nhân: Đụng đâu cũng vướng

VŨ PHƯỜNG 11/08/2022 19:00

Vấn đề nhà ở vẫn đang nhận được sự quan tâm của hàng triệu công nhân lao động trên khắp cả nước. Câu hỏi đặt ra là công nhân phải chờ đến bao giờ?

>>>Thủ tướng: Phát triển nhà ở xã hội cần "nói đi đôi với làm"

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra ngày 01/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là rất cấp bách”. Làm sao để rút ngắn khoảng cách từ chính sách tới thực tiễn, để người lao động có nơi ăn, chốn ở ổn định, bớt khó khăn, để những kiến nghị không còn là câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Hàng triệu công nhân lao động đang mong mỏi được quan tâm đúng mức nơi ăn, chốn ở

Hàng triệu công nhân lao động đang mong mỏi được quan tâm đúng mức nơi ăn, chốn ở

Theo thống kê, cả nước hiện có 7 triệu lao động cần an cư, nhưng số lượng nhà ở mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Với 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội được xây dựng cho đến nay, tuy đã giải quyết chỗ ở cho hàng trăm nghìn công nhân, người thu nhập thấp, nhưng mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu chốn ở của người lao động.

Nhà lưu trú cho công nhân là những “điểm sáng” hiếm hoi do một số công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xây dựng. Mà những nhà lưu trú này như những khu ký túc xá chỉ phù hợp cho người lao động còn độc thân. Những người đã lập gia đình muốn an cư phải ra ngoài ở.

Đụng đâu cũng vướng

Đề cập đến “nút thắt” cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành cho rằng, thông thường, kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng, lợi nhuận định mức của dự án nhà ở xã hội tối đa theo quy định chỉ khoảng 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm.

Chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội đều quan tâm đến chính sách ưu đãi của Nhà nước để giảm thuế, giảm giá thành cho doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm hiểu nguồn cầu của người lao động và quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội của nhóm đối tượng này có gì khó khăn hay không. Từ đó, tính toán về thời gian hoàn vốn khi phát triển nhà ở xã hội. 

Theo các doanh nghiệp xây dựng, một trong những lý do khiến doanh nghiệp chần chừ nhất đó là vấn đề thủ tục còn phiền hà. Các dự án nhà ở xã hội thường vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán hoặc chậm cấp sổ hồng cho người mua.

Về thuế, đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê, thường được giảm 70% thuế giá trị gia tăng nhưng Luật Thuế lại không có khoản này. Doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội gặp nhiều rắc rối, khó khăn sẽ dần mất động lực để làm các dự án tiếp theo.

>>Bình Dương: Công nhân khó tiếp cận nhà ở xã hội

>>Nhà ở xã hội khó tiếp cận gói hỗ trợ

Câu chuyện nhà ở cho công nhân, người lao động được đề cập từ nhiều năm. Nhưng trong chương trình, kế hoạch phát triển ở nhiều địa phương, các chính sách, quy hoạch đất đai thường không tính đến.

Bất cập này đã được chỉ rõ tại Hội nghị của Chính phủ, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm.

Hoặc, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, KCN, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất “sạch” để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Nghịch lý “Công nhân không có nhà ở, nơi có nhà thì bỏ hoang u ám” vẫn còn tồn tại gây lãng phí vô cùng

Nghịch lý “Công nhân không có nhà ở, nơi có nhà thì bỏ hoang u ám” vẫn còn tồn tại gây lãng phí 

Các chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp từ thực tế gói 30.000 tỷ đồng được triển khai giai đoạn trước cho thấy đã nảy sinh những vấn đề bất cập, tiêu cực, trục lợi chính sách từ chương trình này, trong khi người có nhu cầu thực sự không tiếp cận được nhà ở giá rẻ. Có trường hợp, nhà ở xã hội xây xong không có ai ở vì vị trí không phù hợp gây lãng phí vô cùng.

Doanh nghiệp không mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội cũng từ những bất cập như vậy, bởi, “đụng đâu cũng vướng”.

Tạo “cú hích” để thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia, những bất cập trong phát triển nhà ở xã hội bấy lâu nay cần được phân tích, nhìn nhận rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp phù hợp.

Tham khảo nhiều nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, vấn đề nhà ở cho công nhân được tiếp cận theo hướng xây nhà giá thấp và nhà cho thuê với ngân sách nhà nước, đầu tư công và chính sách tiếp cận đất đai phù hợp. Cùng với đó là chính sách xã hội hóa, có cơ chế để doanh nghiệp, người dân tham gia xây dựng nhà cho công nhân, người lao động thuê trọ, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung.

>>>Giảm thủ tục phiền hà, thêm cơ chế ưu đãi đầu tư nhà ở xã hội

Các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để tạo “cú hích” cho nhà đầu tư rót vốn vào nhà ở xã hội. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Không những vậy, việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường chi phí giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai, tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này.

Do đó, theo ông Châu, trong quá trình triển khai các dự án cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, yêu cầu địa phương nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.

Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Về việc này, ông Trần Công Tưởng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Capital House nhấn mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đều mong muốn tham gia việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, Nhà nước cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn.

Bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà, giá bán. Tất cả đều do Nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng. Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó.

Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, giải quyết được tính cấp bách về nhu cầu xây nhà ở cho công nhân trong bối cảnh phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, bền vững, để vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ chuyển đổi này; đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cần quyết tâm rất cao của lãnh đạo các cấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Một triệu căn nhà ở xã hội

    Một triệu căn nhà ở xã hội

    01:00, 07/08/2022

  • Giảm thủ tục phiền hà, thêm cơ chế ưu đãi đầu tư nhà ở xã hội

    Giảm thủ tục phiền hà, thêm cơ chế ưu đãi đầu tư nhà ở xã hội

    01:00, 03/08/2022

  • Doanh nghiệp sẵn sàng làm nhà ở xã hội

    Doanh nghiệp sẵn sàng làm nhà ở xã hội

    12:01, 02/08/2022

  • Hoàn thành 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030

    Hoàn thành 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030

    15:34, 01/08/2022

  • Bộ Xây dựng: Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội

    Bộ Xây dựng: Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội

    14:02, 01/08/2022

  • Nhà ở xã hội khó tiếp cận gói hỗ trợ

    Nhà ở xã hội khó tiếp cận gói hỗ trợ

    01:00, 31/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây nhà ở cho công nhân: Đụng đâu cũng vướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO