Xuất khẩu sang EU: Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu

TRƯỜNG ĐẶNG 24/02/2024 04:30

Tại các thị trường xuất khẩu chiến lược của Việt Nam như Liên minh Châu Âu (EU), đăng ký nhãn hiệu không chỉ là một thủ tục pháp lý mà còn là một tài sản kinh doanh chiến lược.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, có thể đạt giá trị cao hơn nếu đăng ký thương hiệu tại thị trường

Hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, có thể đạt giá trị cao hơn nếu đăng ký thương hiệu tại thị trường EU

>>Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?

Nhãn hiệu đóng một vai trò quan trọng trong kinh doanh. Bằng cách độc quyền sử dụng nhãn hiệu liên quan đến hàng hóa và dịch vụ được liệt kê trong đăng ký, các doanh nghiệp có thể duy trì lợi thế cạnh tranh, ngăn chặn việc sử dụng trái phép và cung cấp cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề về hàng giả và vi phạm, đặc biệt phù hợp ở một thị trường liên kết với nhau như Liên minh châu Âu (EU).

Vì sao nên đăng ký nhãn hiệu tại EU?

Từ khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được thực thi, nông sản Việt Nam đã có nhiều cơ hội đột phá để tiếp cận và mở rộng thị trường tại EU. EVFTA, được ký kết vào năm 2020, đã loại bỏ tới 99% các dòng thuế quan giữa hai bên, trong đó có nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Việc giảm thiểu các rào cản thuế quan đã giúp nông sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường EU. Các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản (đặc biệt là tôm và cá tra), và trái cây nhiệt đới (như thanh long, xoài, và chuối) đã thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị xuất khẩu sang thị trường này.

Từ khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020 cho tới 2022, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước đó và chiếm 12,6% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Với việc thị trường này còn nhiều tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần quan tâm hơn tới đăng ký nhãn hiệu để đảm bảo và nâng cao giá trị sản phẩm của mình.

Lưu ý với các doanh nghiệp

Theo tổ chức Oxfam tại Việt Nam, để đăng ký nhãn hiệu tại EU, chủ sở hữu có thể lựa chọn các cách thức nộp trực tiếp hoặc gián tiếp.

>>Nông nghiệp châu Âu "vật lộn" với nhiều khó khăn

Doanh nghiệp có thể trực tiếp nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại từng cơ quan quản lý nhãn hiệu của từng quốc gia thuộc Cộng đồng chung châu Âu để bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các quốc gia này. Với lựa chọn này, chủ sở hữu phải nộp đơn tại từng quốc gia để bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các quốc gia đó theo quy định riêng về tài liệu và phí.

EUIPO là cơ quan sở hữu trí tuệ của châu Âu mà các thương hiệu Việt Nam cần quan tâm

EUIPO là cơ quan sở hữu trí tuệ của châu Âu mà các thương hiệu Việt Nam cần quan tâm

Riêng đối với các quốc gia là Bỉ, Hà Lan và Luxembourgh, nếu cùng một lúc muốn bảo hộ chỉ tại 03 quốc gia này, doanh nghiệp có thêm lựa chọn là chỉ cần nộp 01 đơn đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng SHTT Benelux (BOIP) mà không cần phải đăng ký lần lượt tại từng quốc gia.

Ngoài cách thức trên, các nhà sản xuất có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cơ quan sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO). Với lựa chọn này, doanh nghiệp chỉ cần nộp 01 đơn đăng nhãn hiệu và nếu được bảo hộ sẽ được bảo hộ tại 27 quốc gia thành viên EU.

Nếu không có điều kiện nộp trực tiếp, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp đơn thông qua Hệ thống Madrid. Đây là hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu được điều chỉnh bởi hai Điều ước quốc tế là Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid (gọi tắt là Hệ thống Madrid).

"Trên cơ sở một đơn nhãn hiệu hoặc một đăng ký nhãn hiệu quốc gia, thông qua việc nộp một đơn quốc tế duy nhất, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể giành được quyền đăng ký nhãn hiệu tại một số hoặc tất cả 97 thành viên của Hệ thống Madrid, với tổng số 133 quốc gia, trong đó có hai thành viên là tổ chức liên Chính phủ là Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI)", Oxfam Việt Nam lưu ý.

Oxfam Việt Nam cho biết, hệ thống Madrid chỉ là hệ thống nộp đơn có phạm vi toàn thế giới. Hệ thống này không xác lập quyền đối với nhãn hiệu (đăng ký) mà việc xác lập quyền thuộc về các quốc gia thành viên được chỉ định trong đơn quốc tế. Hơn nữa, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nộp đơn, nếu đơn cơ sở bị từ chối đăng ký tại nước xuất xứ hoặc đăng ký cơ sở bị chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực thì đơn đăng ký quốc tế cũng bị mất hiệu lực.

Hệ thống Madrid cũng hấp dẫn hơn đối với người nộp đơn ở các các quốc gia thành viên bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam, sau khi EU trở thành thành viên của Nghị định thư vào 01/10/2004. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký nhãn hiệu tại EU, mà không cần phải thỏa mãn điều kiện về nơi cư trú hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh của người nộp đơn tại EU hoặc tìm đến sự hiện diện của một đại diện pháp lý tại EU như khi nộp đơn CTM.

Ngoài ra, đơn của doanh nghiệp Việt Nam có thể vừa chỉ định EU hoặc các quốc gia riêng rẽ là thành viên của EU và các quốc gia khác tại châu Âu (ví dụ như Liên bang Nga, Thụy sỹ) để có thể có sự bảo hộ nhãn hiệu tại tất cả các thành viên được chỉ định này.

Có thể bạn quan tâm

  • Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu

    Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu

    03:30, 11/02/2024

  • Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

    Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

    04:00, 08/02/2024

  • Nông nghiệp châu Âu

    Nông nghiệp châu Âu "vật lộn" với nhiều khó khăn

    03:00, 05/02/2024

  • Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    Châu Âu loay hoay với chính sách an ninh kinh tế

    03:00, 31/01/2024

  • Kinh tế Đức

    Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu

    04:30, 22/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu sang EU: Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO