Việt Nam "bơm tiền" khá thận trọng và ít so với những gói tiền dễ khổng lồ của các quốc gia để ứng phó đại dịch. Theo đó, nguy cơ lạm phát đang nóng lên liệu sẽ loại trừ nền kinh tế có độ mở rộng?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 10/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chỉ 1,81% so với cùng kỳ năm 2020, là mức thấp nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng mạnh, song giá thịt heo hơi trong nhóm hàng hóa lương thực của rổ tính CPI lại có xu hướng giảm.
Vì sao giá heo hơi mà Tổng cục Thống kê công bố lại khác biệt so với thị trường? Theo tôi được biết, các nhà quản lý căn cứ giá heo trên cơ sở đánh giá tại nguồn hoặc đơn vị sản xuất đầu nguồn có thị phần lớn. Trong khi đó chúng ta biết là để giá thịt heo đưa ra thị trường, sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn từ giết mổ tại lò đến phân phối, ra chợ hoặc siêu thị... và do đó mà có khác biệt về giá.
Tuy nhiên, khảo sát gần nhất về thực tế giá heo trên thị trường, ghi nhận cho thấy đã có xu hướng giảm so với trước. Nguyên do trước đây vì dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát mạnh tại các địa phương và bắt buộc áp dụng giãn cách xã hội dài ngày, dẫn đến có sự đứt gãy chuỗi cung ứng lưu thông vận chuyển giữa các tỉnh thành, đẩy giá lên cao. Khi các địa phương nới lỏng giãn cách, tiến vào bình thường mới thì hầu như các chuỗi lưu thông này trở lại bình thường, giá cả hàng hóa như thịt heo cũng hạ nhiệt về mức bình thường.
Dù vậy, lưu ý rằng mặc dù giá thịt heo hiện tại trên thị trường hoặc theo Tổng cục Thống kê tuy có chênh lệch nhưng chung xu hướng giảm, thì dự báo đến cuối năm, giá heo vẫn sẽ tăng trở lại, đặc biệt là dịp gần tết với nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Chúng tôi cũng dự báo theo quy luật, mức tăng giá heo cuối năm cũng sẽ trong kiểm soát, không gây áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm và cả 2022, vì giá sẽ lên từ từ không gây sốc.
Ngoài lương thực, giá xăng dầu hiện tại tăng mạnh do ảnh hưởng giá dầu thế giới. Xăng dầu là một trong những hàng hóa nhiên liệu đầu vào có sức tác động lớn đối với nền kinh tế, bởi chỉ cần xăng dầu tăng lên thì chi phí vận chuyển, logistic sẽ lên giá và giá cả nhiều hàng hóa cũng sẽ tăng. Tuy vậy, mặc dù giá xăng dầu tăng song trong tháng 9, tháng 10 rõ ràng CPI vẫn thấp nên mức tăng này vẫn có thể kiểm soát được.
Đặt giả thiết là nếu giá xăng dầu tăng tiếp, thì tôi vẫn cho rằng Chính phủ còn nhiều dư địa kiểm soát giá xăng dầu không để đẩy lạm phát leo thang. Chẳng hạn như trên mỗi lít xăng bán ra nhà nước đang áp thuế và người tiêu dùng đang “cõng thuế”. Chỉ cần giảm một loại thuế ví dụ như thuế môi trường trong giai đoạn cần kíp thì tất yếu giá sẽ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có thể sử dụng Quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu sâu. Theo đó, dù tác động lớn nhưng xu hướng tăng giá xăng dầu vẫn không thể tạo mối nguy hiểm lớn, gây áp lực lạm phát căng thẳng với Việt Nam trong cuối 2021 và 2022.
Việt Nam hiện vẫn đang có nhiều lợi thế để vượt qua rủi ro, giảm áp lực từ lạm phát của thế giới, của giá cả hàng hóa leo thang và cả sức ép của nội tại trong nước nếu chúng ta tiếp tục tính toán đến những gói kích thích kinh tế lớn. Trong đó, 3 yếu tố cơ bản giúp Việt Nam giảm áp lực lạm phát và có điều kiện phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế tốt hơn, là:
Thứ nhất, đồng tiền Việt Nam (VND) đang mạnh lên. Theo dữ liệu quan sát trong 10 tháng 2021, tỷ giá VND/USD hiện đang có xu hướng đi xuống, mọi năm VND mất giá ở khoảng 2% so với USD. Năm nay, đồng VN mạnh lên, giúp cho chi phí nhập khẩu hàng hóa giảm đi, giúp giảm áp lực lạm phát thời gian tới. Chứng kiến chu kỳ tỷ giá mạnh lên, đồng VN sẽ ngày càng có giá trị theo chiến lược tăng trưởng kinh tế phụ thuộc thương mại khi Việt Nam trở thành "HUB" hút mọi dòng vốn đầu tư, theo đó nếu tạo ra thặng dư thương mại lớn 19,5 tỷ USD như 2020 và lấy lại xuất siêu trong thời gian tới (dù chúng ta đã nhập siêu trong những tháng qua-BT), thì tỷ giá sẽ ngày càng mạnh hơn. Điều này dường như có sự tương đồng với chính sách của Trung Quốc cách đây 10-15 năm, họ đã nỗ lực duy trì đồng Nhân dân tệ mạnh và thu hút vốn đầu tư, qua đó tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia rất lớn (đến nay đạt khoảng hơn 3.000 tỷ USD), giúp giảm nhiều áp lực với vĩ mô và lạm phát.
Thứ hai, sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp Việt Nam đã khỏe hơn, dễ thích nghi và phục hồi hơn. Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, 9 tháng 2021, đã có hơn 90.000 nghìn doanh nghiệp đình trệ hoạt động, giải thể, phá sản, tương đương khoảng 10.000 doanh nghiệp/ tháng rơi vào khó khăn. Có thể nói số lượng doanh nghiệp khó khăn là rất lớn, nhưng bóc tách ra sẽ thấy nhiều trong số khó khăn là các doanh nghiệp mới thành lập, mới có tuổi đời kinh doanh ngắn, doanh nghiệp quy mô rất nhỏ... Số lượng các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng ít hơn.
Ghi nhận tác động lớn nhất của đại dịch lần thứ 4 với các doanh nghiệp có lẽ là vào giai đoạn tháng 7 và 8, đặc biệt trong đó chịu tác động kéo dài vẫn là khối du lịch; nhưng ở khối sản xuất thương mại, mức tác động ít hơn. Cho đến khi mở cửa lại, Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi và lũy kế 10 tháng 2021, đã xuất khẩu đạt/ vượt ngưỡng 267,93 tỷ USD, nhập khẩu 269,38 tỷ USD, qua đó lấy lại xuất siêu như chúng ta kỳ vọng ở trên, với mức xuất siêu đạt 1,45 tỷ USD. Đây không chỉ là sự tích cực về mặt vĩ mô mà rõ ràng điều này cho thấy các doanh nghiệp đặc biệt khối mũi nhọn đóng góp lớn cho GDP là xuất khẩu, vẫn thích nghi được với bối cảnh khó khăn nhất và khi điều kiện kinh doanh trở lại, họ sẽ phục hồi rất nhanh. Nội tại của nhiều doanh nghiệp đã được cải thiện có ý nghĩa lớn trong kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng quý IV, giúp giảm cả áp lực lạm phát trong nghịch cảnh sức cầu tiêu dùng vẫn chậm.
Thứ ba, lực hỗ trợ lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ghi nhận, FDI đã bị ảnh hưởng trong quý 3/2021 vì dịch bệnh và qua đó tác động dòng vốn đầu tư; tuy nhiên khi Chính phủ có kế hoạch mở cửa dòng vốn thì FDI lập tức phục hồi và có xu hướng tích cực. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tích cực hơn nữa nêu chúng ta duy trì mở cửa kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, phủ đều vaccine và tiến tới mở cửa hàng không. 10 tháng 2021, FDI đã đăng ký 23,74tỷ USD, tăng 11,6%, tuy nhiên FDI thực hiện giải ngân có giảm 4,1% với nguyên do ảnh hưởng COVID khiến việc đi lại không thuận tiện. Xu hướng tăng trưởng FDI vẫn còn ở phía trước. Bên cạnh đó theo diễn tiến chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ tại châu Âu và COP26, Việt Nam sẽ hướng đến đầu tư năng lượng tái tạo, điện khí mạnh mẽ hơn nữa để thay thế điện than. Đây cũng là động lực của việc đón vốn FDI vào năng lượng tái tạo từ các quốc gia như Singapore, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Gần nhất, Mỹ đầu tư vào dự án điện khí Bình Thuận quy mô lớn, cho thấy xu hướng này.
Tóm lại, nhìn chung lạm phát sẽ là một biến số cần được quan sát và chi phối các quyết định của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Việt Nam thời gian tới. Song với "dư địa" và khả năng kiểm soát của Chính phủ, lạm phát sẽ không thực sự đáng lo ngại quá mức như nhiều người và giới đầu tư đang lo ngại hiện nay. Nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất, phục hồi tăng trưởng mạnh. Điều kiện quan trọng của thời gian tới là cần một chương trình kích thích kinh tế tổng thể mà việc giải ngân thực tế và hiệu quả, sẽ giúp thúc đẩy đà phục hồi này.
Có thể bạn quan tâm
Trọng tâm của gói kích thích phục hồi kinh tế giai đoạn mới
05:30, 04/11/2021
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Dư địa cho các gói kích thích kinh tế
11:15, 17/10/2021
Chứng khoán: Kỳ vọng từ gói kích thích kinh tế
16:00, 15/10/2021
Hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế
13:00, 06/04/2021
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4: Cần một gói kích thích kinh tế lớn
10:00, 07/10/2021
Cần một gói kích thích kinh tế lớn cho phục hồi sau đại dịch
14:15, 08/10/2021
Nguồn lực nào cho gói kích thích tổng thể?
04:30, 15/10/2021