Nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lãi và gốc trái phiếu chậm thời hạn.
>>Lấy ý kiến tích hợp trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh
Trong thời gian qua, mặc dù hoạt động mua bán trái phiếu cũng như đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu đã trở nên sôi động hơn, đặc biệt sau khi Nghị định 08 được ban hành. Tuy nhiên, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục tăng lên.
Nhiều DN không trả được trái phiếu đúng hạn
Trong tháng 9, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ghi nhận các doanh nghiệp chỉ mua lại trái phiếu trị giá hơn 9.200 tỷ đồng, tỷ lệ này chưa bằng một phần tư so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Con số này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2022 và giảm đi một nửa so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 26/09/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Ước tính tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của những doanh nghiệp này lên tới khoảng 176,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp riêng lẻ trên toàn thị trường. Hầu hết trong số những tổ chức phát hành này đều thuộc nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Thái Phạm - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhà sáng lập Happy Live cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua khá trầm lắng. Dựa trên báo cáo gần đây nhất của VnDirect, lũy kế 8 tháng đầu năm tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 100.997 tỷ đồng giảm 54,75% so với cùng kỳ. Đây là những con số cho thấy sự suy giảm và trầm lắng rõ ràng của thị trường vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Thông tư 02, Thông tư 03….
Trong trường hợp không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn, doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để gia hạn thanh toán các khoản nợ (gốc+lãi) đến hạn. Nếu doanh nghiệp đàm phán thành công với các trái chủ thì có thể khoản nợ sẽ được dời vào khoảng thời gian khác, tùy vào điều kiện đàm phán.
Hầu hết các doanh nghiệp đã điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu lên thêm hai năm, chuyển áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025 - 2026. Điều này đã trở thành một xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
>>SCG Group chính thức cất nóc Dự án Sunshine Green Iconic
Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu vốn và khó khăn trong hoạt động kinh doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp chọn tập trung vào đàm phán để kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu khi chúng đáo hạn.
Đến đầu tháng 10, đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.
Có thể kể đến như CTCP Tập đoàn R&H đạt được thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng với thời gian gia hạn là 2 năm; CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đạt được thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị là 4.000 tỷ đồng với thời hạn là 2 năm….
Ông Thái Phạm cho biết, qua những nỗ lực từ Chính phủ và cơ quan quản lý có thể thấy, toàn bộ hệ thống đang rất quan tâm đến vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như lợi ích của các nhà đầu tư. Cùng với đó, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp sớm hồi phục, khai thông dòng tiền, hoàn thành các nghĩa vụ cho cổ đông và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, độ thẩm thấu sâu rộng để khôi phục niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp thì cần phải có thời gian, cũng như nỗ lực của từng doanh nghiệp cụ thể.
VNDirect cho rằng, sự phục hồi của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý 3 đến từ sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của nhóm này phát hành trong quý III/2023 đạt khoảng 47.224 tỷ đồng.
Nhờ vậy, áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong những tháng còn lại của năm nay còn khoảng hơn 53.757 tỉ đồng, giảm 26,4% so với quý 3. Trong đó, nhóm trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất chiếm gần 44,2% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong mùa cuối năm.
Tuy nhiên, theo VnDirect, dù áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ giảm vào giai đoạn cuối năm nay và quý 1 năm sau nhưng sau đó sẽ tăng mạnh trở lại vào quý 2 năm sau.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản nghỉ dưỡng chờ thời
10:57, 17/10/2023
Bất động sản Đà Nẵng: Tín hiệu khả quan từ phân khúc căn hộ
01:00, 17/10/2023
Doanh nghiệp FDI đổ bộ, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng
03:00, 16/10/2023
Các công ty bất động sản Trung Quốc đề xuất giảm nợ gốc 70-80%, chủ nợ "méo mặt"
13:44, 15/10/2023
Ngành bất động sản “vượt bão”
04:00, 15/10/2023