Hôm thứ năm, ByteDance - công ty mẹ của ứng dụng TikTok đã đệ đơn với Tòa án phúc thẩm Mỹ để thách thức hiệu lực của sắc lệnh hành pháp từ chính quyền trong việc thoái vốn TikTok.
Ngày 14 tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance phải thoái vốn ứng dụng TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày, tức là thứ năm tuần này.
Trước đó, chính quyền Trump cho rằng TikTok đặt ra những mối quan ngại về an ninh quốc gia của Mỹ vì dữ liệu cá nhân của người dùng có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng. Tất nhiên là TikTok, với hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ, đã phủ nhận các cáo buộc trên.
Trong lá đơn đệ trình lên Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ của Đặc khu Columbia, ByteDance cho biết họ đang tìm kiếm một lối thoát cho lệnh thoái vốn, và rằng sự áp đặt của chính quyền Trump với TikTok là “vi hiến”.
“Đối mặt với các yêu cầu mới liên tục, chúng tôi yêu cầu gia hạn thêm 30 ngày cho sắc lệnh ngày 14 tháng 8. Và nếu không được, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đệ đơn lên tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình”, TikTok cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ đã không đưa ra bình luận.
Trên thực tế, ByteDance đã đàm phán về một thỏa thuận với Walmart và Oracle để chuyển tài sản của TikTok tại Hoa Kỳ thành một thực thể mới vào tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn vẫn tồn tại là về cấu trúc sở hữu của công ty mới, TikTok Global, liệu có phải là sở hữu tài sản của TikTok tại Hoa Kỳ?
Trong hồ sơ gửi tòa án, ByteDance cho biết họ đã đệ trình một đề xuất thứ tư vào thứ sáu tuần trước, nhằm giải quyết những lo ngại của chính quyền Trump “bằng cách tạo ra một thực thể mới, thuộc sở hữu hoàn toàn của Oracle, Walmart và các nhà đầu tư Mỹ, sẽ chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu người dùng Hoa Kỳ của TikTok và kiểm duyệt nội dung”.
Mặc dù vậy, động thái của chính quyền Trump cho thấy việc họ đang “đuổi cùng giết tận” với TikTok khi đưa ra các tuyên bố “tiếp tục thực thi lệnh thoái vốn nếu các cuộc thảo luận đi đến bế tắc".
TikTok cho rằng, hành động của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ(CFIUS) và chính quyền Trump đang tìm cách “buộc thoái vốn” của một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la được xây dựng trên công nghệ dựa trên đánh giá an ninh quốc gia là có “mùi” chính trị.
CFIUS đã ngừng trả lời ByteDance ngay sau bình luận công khai cuối cùng trên TikTok của Trump vào ngày 19 tháng 9. TikTok cũng cho biết, họ “không nhận được phản hồi đáng kể trong thời gian này”.
Vào giữa tháng 9, Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử đã hào hứng tuyên bố, các bên tham gia thỏa thuận sẽ "bắt buộc” phải nộp 5 tỷ USD vào quỹ cho giáo dục của Mỹ để "chúng tôi có thể giáo dục mọi người về lịch sử thực sự của đất nước chúng tôi".
Thời điểm này, ByteDance và Tiktok cho biết, họ sẽ không đồng ý “đóng góp vào một quỹ như vậy”.
Có vẻ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây đã tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho ByteDance. Mặc dù vậy, họ đang quên rằng, Trump sẽ vẫn nắm quyền “sinh sát” trong vòng 10 tuần nữa. Nói một cách đơn giản, trong tình huống xấu nhất, Donald Trump vẫn có thể ra tay "đàn áp" cho đến ngày 20 tháng 1 năm 2021.
Kể cả Bắc Kinh trong thời điểm này cũng không muốn đối mặt với một Donald Trump tức giận, có thể đưa thêm các biện pháp trừng phạt và rào cản thương mại. Và rất có thể trong thời gian tới, người ta được chứng kiến Trump với các vũ khí kinh tế và chiến lược trên tư cách là Tổng thống Mỹ, sẽ siết chặt thêm các biện pháp với ByteDance.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ Mỹ muốn cấm bằng được TikTok
16:19, 09/10/2020
TikTok trở thành mạng xã hội được yêu thích thứ hai ở Mỹ
05:08, 08/10/2020
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Walmart tìm gì ở TikTok?
06:31, 29/09/2020
TikTok đề nghị tòa án Mỹ chặn lệnh cấm của Tổng thống Trump
14:39, 24/09/2020
TikTok và WeChat sẽ là “ngòi nổ” cuộc chiến Mỹ-Trung?
05:38, 24/09/2020