Mặc dù cùng đừng chung chiến tuyến với Mỹ trong việc trừng phạt Nga, nhưng Liên minh châu Âu (EU) không thể làm điều tương tự với Trung Quốc như Mỹ đang làm.
>>"Nước cờ" mới của châu Âu trong chính sách với Trung Quốc
Với lập trường cứng rắn của EU đối với Nga, thế giới cho rằng, khối sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn tương tự với đồng minh quan trọng nhất của Điện Kremlin là Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong chuyến công du tới Bắc Kinh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, "Trung Quốc, với quan hệ thân thiết cùng Nga được tái nhấn mạnh trong vài ngày gần đây, có thể đóng vai trò lớn".
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã trải qua nhiều biến cố trong thập kỷ qua. Mặc dù một thỏa thuận đầu tư đã được ký kết giữa 2 bên vào năm 2020 sau nhiều năm đàm phán, nhưng nó hiện đang bị đóng băng, một phần vì những khác biệt chính trị.
Điều này gây khó chịu cho một số thành viên EU, những người coi mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc là điều cần thiết cho tham vọng trở thành một nhân tố có tầm ảnh hưởng địa chính trị lớn trên trường quốc tế của khối này. Tuy nhiên, phe diều hâu với Trung Quốc, điển hình là ở phía Đông của khối, luôn hoài nghi về bất cứ điều gì có thể tạo ra sự rạn nứt giữa châu Âu và Mỹ, quốc gia được coi là "người bảo vệ cuối cùng" cho lãnh thổ châu Âu thông qua NATO.
Trước chuyến thăm Trung Quốc, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban EU, đã chỉ trích Trung Quốc khi cho rằng an ninh quốc gia của Trung Quốc hiện được ưu tiên hơn việc hợp tác quốc tế, và Trung Quốc đang tìm cách định hình lại trật tự toàn cầu theo cách lấy quốc gia này làm trung tâm.
Tuy nhiên, bà nói rằng đây không phải là lý do để châu Âu rời xa Trung Quốc, mà là để giảm thiểu bất kỳ rủi ro nào có thể xuất hiện trong quan hệ đối tác của họ, thay vì tách khỏi Trung Quốc như Mỹ. Điều này cho thấy, quan điểm của một số nhà lãnh đạo châu Âu rằng mối quan hệ của họ với Trung Quốc hiện nay có thể quan trọng hơn so với trước đây, đặc biệt là khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra.
Một nhà ngoại giao châu Âu đã giải thích lý do tại sao EU không thể thực hiện đường lối cứng rắn kiểu Mỹ để tách khỏi Trung Quốc. “Chúng tôi không ở vị thế kinh tế hay chiến lược để làm những gì Mỹ đang làm. Chúng tôi không thể rời xa cả Nga và Trung Quốc cùng một lúc”, nhà ngoại giao này nói với CNN.
>>Mỹ cần chuẩn bị "vũ khí" mới nào đấu với Trung Quốc?
Nhà ngoại giao này cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga làm tăng giá năng lượng. Mục tiêu của EU là chuyển từ khí đốt của Nga sang năng lượng tái tạo. Và để có thể thực hiện việc chuyển đổi nhanh chóng này, EU sẽ sử dụng các tấm pin mặt trời giá rẻ. Trong khi chỉ Trung Quốc mới làm được tấm pin mặt trời giá rẻ.
Tương tự, ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ nhận định rằng có những điều mà EU không thể làm nếu không có Trung Quốc, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Theo quan điểm của EU, sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Nga thiên về việc xoa dịu dư luận trong nước trong thời gian ngắn bằng cách hỗ trợ một đồng minh không thuộc phương Tây, không thuộc NATO. Họ tin rằng toan tính dài hạn của Trung Quốc có lợi cho phương Tây hơn là Moscow.
“Sức mạnh của Trung Quốc nằm ở nền kinh tế của quốc gia này. Bắc Kinh làm ăn với Brussels nhiều hơn là với Moscow. Họ đã thấy những gì chúng tôi đã làm khi thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Nga và họ không muốn điều đó xảy ra với chính họ. Trung Quốc cũng muốn được coi là một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm, không quan tâm đến việc đảo lộn trật tự thế giới. Sự kết hợp các yếu tố này tạo ra cơ hội cho EU”, ông nói.
Ông Alexander Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan, tin rằng “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và bắt đầu xây dựng một trật tự thế giới mới. Nếu châu Âu muốn đóng một vai trò quan trọng, điều đó có nghĩa là ở càng gần Mỹ càng tốt, nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc".
Ông Alicja Bachulska, một thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói với CNN rằng có một cơ hội để Châu Âu định hình lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. “Mặc dù sẽ rất khó thuyết phục Trung Quốc thay đổi lập trường đối với Ukraine, nhưng cam kết kinh tế với Bắc Kinh vẫn là điều bắt buộc đối với EU. Chúng ta cũng phải đa dạng hóa nền kinh tế của khối để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.”
Có thể bạn quan tâm