Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: 13 Hiệp hội gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng

GIA NGUYỄN 24/10/2021 04:30

Mặc dù đã có những tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi, thế nhưng, Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường vẫn còn một số quan ngại khiến 13 Hiệp hội tiếp tục có “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Ngày 18/10 vừa qua, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức có buổi làm việc với 11 Hiệp hội doanh nghiệp về những bất cập xoay quanh Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo), sau khi tiếp thu những kiến nghị, góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, Dự thảo mới nhất được hoàn thiện gần đây đã có những nhóm vấn đề được chỉnh lý, sửa đổi theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng - Trần Hồng Hà ngay tại buổi làm việc. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại.

13 Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục có

13 Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục có "tâm thư" gửi Bộ trưởng Bộ TN&MT - Ảnh minh họa

13 Hiệp hội viết “tâm thư”

Theo đó, ngày 22/10, 13 Hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Bia - Rượu - nước giải khát Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh,

Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã có “tâm thư” gửi Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ TN&MT về việc "Cảm ơn các chỉ đạo tiếp thu của Bộ Trưởng sáng ngày 18/10/2021, báo cáo kết quả thực hiện và chưa thực hiện sửa đổi tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020".

Nội dung “tâm thư” ngoài thể hiện cam kết việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để các ngành hàng không chỉ hội nhập tốt hơn, cải thiện môi trường sống tốt hơn mà còn là điều kiện sinh tồn cho các thế hệ tương lai. Các Hiệp hội cũng thể hiện những quan ngại về một số vấn đề Ban Soạn thảo chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.

Tiếp tục… kiến nghị

Cụ thể, về chỉ đạo, những vấn đề đã quy định trong Luật thì thực hiện theo Luật: bãi bỏ Văn phòng EPR…

Ban soạn thảo đã thực hiện bỏ Văn phòng EPR, tỷ lệ tái chế bắt buộc Chính phủ ban hành 3 năm một lần, tuy nhiên, các Hiệp hội đề nghị sửa khoản 2 Điều 83: Chính phủ sẽ quy định và bỏ điểm b, khoản 1 Điều 83b vì cho rằng, tiền đóng góp tái chế vẫn được sử dụng cho mục đích khác ngoài mục đích tái chế là không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những nội dung đã được chỉnh lý, sửa đổi, Dự thảo còn một số nội dung liên quan chưa được xem xét - Ảnh minh họa

Bên cạnh những nội dung đã được chỉnh lý, sửa đổi, Dự thảo còn một số nội dung liên quan chưa được xem xét - Ảnh minh họa

Về chỉ đạo, cần quy định khung pháp lý quản lý khoản đóng góp để mọi người đều thấy được rõ ràng, công bằng và bình đẳng.

Dù đã có quy định chi tiết hơn, sửa “chi phí quản lý” trong Fs thành “chi phí     quản lý hành chính”, tuy nhiên, theo các Hiệp hội quy định xin hỗ trợ, duyệt hỗ trợ định kỳ hàng năm dễ tạo cơ chế xin cho, đồng thời có thể gây chậm trễ, không đáp ứng được những yêu cầu hàng ngày về xử lý môi trường. Đề nghị, quy định Quỹ Bảo vệ môi trường quản lý việc tái chế theo hợp đồng đấu thầu và thanh toán theo hợp đồng. Loại tái chế nào không có doanh nghiệp tham gia thầu thì Hội đồng sẽ xem xét hỗ trợ.

Về chỉ đạo, triệt để cải cách thủ tục hành chính về 5 nhóm nội dung, hồ sơ phải đơn giản hóa, số hóa.

Dù Ban soạn thảo đã đưa ra một số phương án để đơn giản hóa, tuy nhiên, chưa thấy rõ việc số hóa hồ sơ; Đơn giản hóa cho các dự án nhóm 3 sẽ quy định trong Thông tư là ủy quyền tiếp, không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các Hiệp hội đề nghị chọn phương án cụ thể để đơn giản hóa, số hóa tất cả các thủ tục cấp phép môi trường.

Bên cạnh đó, về chỉ đạo, áp dụng quản lý rủi ro, những chất có giá trị dễ thu gom thì không quá chú trọng, mà chú trọng những loại khó thu gom, khó xử lý. Cần rà soát để danh sách không giống nhau mà có sự ưu tiên; Lập danh mục các mặt hàng cụ thể: nhựa sử dụng một lần, nhựa khó tái chế, chú ý sản phẩm sữa trẻ em để không gây khó khăn khi thực hiện.

Ban soạn thảo đã lập danh mục nhựa sử dụng một lần; Đã điều chỉnh “nhựa khó phân hủy” thành “túi ni lông khó phân hủy” cho lộ trình 2026. Tuy nhiên, chưa có áp dụng quản lý rủi ro cho những sản phẩm có giá trị dễ thu gom như giấy, nhôm, kim loại.

Các Hiệp hội đề nghị điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc cho những sản phẩm này bằng 1/4 mức hiện nay, vì thực tế doanh nghiệp tự thu hồi được rất ít, nhưng số lượng nằm ngoài môi trường là gần như không có. Doanh thu từ việc bán sản phẩm sau tái chế cần được cấn trừ vào chi phí tái chế khi xác định định mức tái chế; Tính hệ số Fs cho nhựa tái sinh sản xuất trong nước chỉ bằng 10% nhựa thông thường để khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang sử dụng nhựa tái sinh…

Các Hiệp hội cho rằng, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản vào “Danh mục loại hình sản xuất, dinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” ở mức độ 3 (Phụ lục 2) là chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Các Hiệp hội cho rằng, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản vào “Danh mục loại hình sản xuất, dinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” ở mức độ 3 (Phụ lục 2) là chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Về chỉ đạo, ngành ô tô - xe máy: việc thu hồi phương tiện giao thông phải có cơ sở pháp lý, sản phẩm sau khi thải bỏ thì mới gắn với trách nhiệm của Doanh nghiệp, 2 Hiệp hội có thể ngồi cùng với ban soạn thảo để đưa ra quy định có thể thực hiện được.

Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung như: Lộ trình áp dụng quy định về trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ năm 2027; Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ và hủy phương  tiện giao thông trước ngày 31/7/2025 để NSX/NNK thực hiện trách nhiệm tái chế; Điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc; Bổ sung thêm giải pháp tái chế.

Tuy nhiên, các Hiệp hội cho rằng, Dự thảo chưa tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, không lấy tổng khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường làm căn cứ xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc. Đề nghị, tương tự quy định của các nước trên thế giới, đối với phương tiện giao thông, tỷ lệ tái chế được định nghĩa là tỷ lệ giữa tổng khối lượng bộ phận/vật liệu được thu hồi thông qua quá trình tái sử dụng/tái chế hoặc thu hồi năng lượng so với khối lượng của một đơn vị sản phẩm thải bỏ.

Về chỉ đạo, nguy cơ, quy mô ô nhiễm lớn thì mới đưa vào danh mục Phụ lục 2. 

Ban soạn thảo đã điều chỉnh ngưỡng công suất xếp loại mức lớn, trung bình, nhỏ cho các cơ sở ngành dệt may, tuy nhiên, việc xếp các cơ sở chế biến thủy sản vào “Danh mục loại hình sản xuất, dinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” ở mức độ 3 (Phụ lục 2) là chưa phù hợp, các Hiệp hội đề nghị, đưa ngành chế biến thủy sản khỏi Phụ lục 2, áp dụng quản lý rủi ro: các cơ sở ngoài danh mục nhưng có >=2 lần vi phạm/năm mà biện pháp khắc phục không đảm bảo thì phải áp dụng quan trắc tự động như cơ sở trong danh mục.

Ngoài ra, về chỉ đạo, xem xét giãn, hoãn lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp do COVID-19, nếu luật quy định thì trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, nếu thẩm quyền của Chính phủ thì trình Chính phủ

Ban soạn thảo, đã hoãn lộ trình đóng góp tái chế đến 01/01/2024, tuy nhiên, các Hiệp hội đề nghị hoãn đến 01/01/2025 để các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch bệnh, có thời gian để các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở tái chế đáp ứng yêu cầu, đồng thời Bộ có đủ dữ liệu khoa học để đưa ra các tỷ lệ tái chế bắt buộc và định mức tái chế phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp lo phí chồng… phí

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp lo phí chồng… phí

    08:00, 19/10/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Cần minh bạch tiền… “đóng góp”

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Cần minh bạch tiền… “đóng góp”

    04:50, 18/10/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR

    06:00, 17/10/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định bất hợp lý

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều quy định bất hợp lý

    04:50, 16/10/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Bất cập thủ tục cấp giấy phép môi trường

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Bất cập thủ tục cấp giấy phép môi trường

    04:55, 15/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: 13 Hiệp hội gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO