Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, theo chuyên gia, nên có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho những người hưu trí, làm công ăn lương thiếu hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp đã đầu tư...
>> Minh bạch - Chìa khóa hồi sinh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Như đã thông tin, việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho thị trường TPDN, giúp doanh nghiệp kéo dài thời gian để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài chính đã đưa ra 4 điểm mới, gồm: Giãn thời gian áp dụng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 01 năm, tức áp dụng từ 01/01/2024 mới có hiệu lực, thay vì 16/9/2022; Giãn thời gian “yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc” thêm 01 năm, từ 16/9/2022 sang 01/01/2024; Dời thời điểm áp dụng về “thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin”, từ 16/9/2022 sang 01/01/2024.
Đồng thời, Bộ này cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được gia hạn thêm thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Mặc dù đánh giá cao những điểm mới được Bộ Tài chính đưa ra, tuy nhiên, một số ý kiến cũng quan ngại, việc trì hoãn một số điểm của Nghị định 65/2022 giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở nhưng chỉ là “đá” quả bóng lùi về sau và nguy cơ đáo hạn vẫn hiện hữu. Đặc biệt, điểm mấu chốt của vấn đề là khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư dường như vẫn chưa được xử lý triệt để.
>> Sửa đổi Nghị định 65/2022 – Giải pháp kịp thời để “cứu” trái phiếu doanh nghiệp
Thông tin với báo chí, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 đã có nhiều đề xuất quan trọng, kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, năm 2020, 2021 và đầu năm 2022, số lượng trái phiếu đã phát hành rất lớn khiến cho nguy cơ đáo hạn TPDN vào năm 2023, 2024 và cả 2025 vẫn có thể hiện hữu.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, trong hai năm tới, mỗi năm sẽ có khoảng 115.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chưa kể tiền lãi. Để giải quyết vấn đề này, nếu như trong điều kiện thông thường, các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới, từ phát hành TPDN, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu,... để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn do khi niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua; Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ. Trong tháng 10/2022, chỉ có duy nhất đợt phát hành TPDN trị giá 210 tỷ đồng, giảm 99% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do phải ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn khoảng 14-15% để kiểm soát lạm phát và thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng; thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước, nên huy động vốn qua kênh này còn khó khăn; việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng, do thị trường bất động sản đang trầm lắng, phục hồi chậm.
“Vì thế, nếu Nghị định 65/2022 được sửa đổi mà không có các giải pháp lấy lại niềm tin của thị trường thì các doanh nghiệp cũng khó có thể vượt qua giai đoạn này”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Và để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, chuyên gia Đinh Thế Hiển đề xuất, Bộ Tài chính nên có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho những nhà đầu tư có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ 300 đến 500 triệu đồng.
“Đây hầu hết là những người hưu trí, làm công ăn lương do lầm tưởng, thiếu hiểu biết về trái phiếu doanh nghiệp mà đầu tư, họ là đối tượng dễ tổn thương nên mong ngóng nhận được tiền”, TS. Hiển bày tỏ.
Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những giải pháp để lành mạnh hoá và phát triển thị trường tài chính là việc hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính. Cần nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Về lâu dài, vị chuyên gia này cũng đề xuất, cần thực hiện tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư cũng như phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Riêng với thị trường TPDN, từ năm 2019, sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân đã tăng nhanh, từ khoảng 10% toàn thị trường, tăng lên gần 13% trong năm 2020, sau đó giảm xuống 5% hiện nay do ảnh hưởng của các quy định trong Nghị định 65/2022. Với thị trường thứ cấp, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân có thể lên đến 30%.
“Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ưu tiên phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí...). Các tổ chức này có đủ nguồn lực cũng như kiến thức tài chính để có thể phân tích thị trường một cách chính xác hơn, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên những căn cứ khoa học”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Minh bạch - Chìa khóa hồi sinh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 20/12/2022
Tiếp tục “vực dậy” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:30, 19/12/2022
Sửa đổi Nghị định 65/2022 – Giải pháp kịp thời để “cứu” trái phiếu doanh nghiệp
04:00, 17/12/2022
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vẫn vắng người mua, thưa kẻ bán
05:20, 12/12/2022
Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới
12:00, 10/12/2022