Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế các quy tắc và quy định mới phải rõ ràng và không dựa trên các khái niệm chung chung,...
Gửi kiến nghị đến Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham), gần một nửa số doanh nghiệp thành viên cho rằng, sự bùng phát dịch COVID-19 hiện tại đang buộc Công ty của họ phải đánh giá lại chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam.
Nếu các hạn chế về di chuyển và hoạt động sản xuất kinh doanh kéo dài đến tháng 10, hơn 25% thành viên sẽ bị thiệt hại đáng kể hoặc sẽ ngừng kinh doanh ở Việt Nam, cùng với đó 83% thành viên cho rằng COVID-19 sẽ có tác động tiêu cực đến danh tiếng “Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất trong khu vực”.
Từ đó, tổ chức này khuyến nghị, để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế các quy tắc và quy định mới phải rõ ràng và không dựa trên các khái niệm chung chung, không xác định như “thiết yếu”. Chính phủ nên tham khảo ý kiến của các ban ngành trước khi công bố và triển khai các chính sách mới, quan trọng nhất, cần có sự phối hợp của tất cả các cấp chính quyền trong việc triển khai các chính sách liên quan.
Có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại với các tham số cụ thể dựa trên rủi ro để áp đặt hoặc dỡ bỏ các biện pháp. Ví dụ: mức độ tiêm chủng, năng lực của hệ thống y tế và sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên tiêm vắc-xin cho khu vực sản xuất/người lao động, người gửi hàng, người bán hàng bình thường, và các nhân viên tiếp xúc với khách hàng khác. Đồng thời duy trì tình trạng khẩn cấp về vắc xin và tiêm đủ liều vì liều thứ hai cung cấp mức độ bảo vệ khỏi vi rút mạnh hơn nhiều.
Các bộ ngành, địa phương cần duy trì hoạt động liên tục để xử lý và phê duyệt thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư đang triển khai cũng như đầu tư mới; Cấp “thẻ xanh” hoặc mã QR hoặc giấy tờ tùy thân khác cho những người đã được tiêm chủng và có tính liên thông trên toàn quốc để thuận tiện cho việc đi lại liên tỉnh.
AmCham cũng khuyến nghị, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục xin thị thực nhập cảnh và giấy phép lao động cho các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài bởi các thành viên của AmCham tiếp tục đối mặt những thách thức khi đưa chuyên gia cần thiết vào Việt Nam do thủ tục giấy tờ phức tạp và rườm rà để được phép nhập cảnh vào Việt Nam, khó xin giấy phép lao động vì những yêu cầu không hợp lý.
Ngoài ra, theo AmCham, Việt Nam nên hướng tới các tiêu chuẩn toàn cầu và các thông lệ tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế số tăng trưởng và đổi mới sẽ giúp phục hồi kinh tế ở Việt Nam, và là điều cần thiết cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Điều quan trọng là các cơ quan ban ngành phải được tham vấn trước khi ban hành các quy tắc và quy định mới.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc phê duyệt và tạo ra các kế hoạch thực tế để đáp ứng cơ sở hạ tầng và nhu cầu năng lượng, đặc biệt là tập trung vào các chính sách quản lý và thuế khuyến khích các công nghệ xanh hơn và hiệu quả cao hơn; đảm bảo thuế và kiểm toán công bằng, có thể dự đoán được và nhất quán trên toàn cầu các thủ tục tổng thể để tránh các phán quyết có hiệu lực hồi tố khác nhau giữa các tỉnh và xung đột với các thủ tục thuế chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng có kiến nghị gửi tới VCCI trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đề nghị, khẩn cấp tổ chức cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành giấy được tiêm vắc xin sớm nhất và nhanh nhất có thể; Cho phép doanh nghiệp chủ động đưa ra cho giải pháp tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch và đăng ký thực hiện với chính quyền địa phương sở tại, thay vì áp dụng cứng nhắc các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường”, “2 địa điểm”; Sản phẩm giấy các loại, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của ngành giấy cần được xem là hàng hóa thiết yếu, được đưa vào “luồng xanh” để vận chuyển, lưu thông. Thống nhất các quy định vận chuyển giữa các địa phương, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa;
Còn Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, căn cứ vào điểm 2 điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất nhập khẩu và quản lý thuế đôi với háng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì sản phẩm thủy sản xuất khẩu được phép thực hiện kiểm dịch và bảo quản tại cửa khẩu nhập hoặc kho của công ty.
Do vậy, VASEP kiến nghị, cho phép doanh nghiệp tùy theo điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức kiểm dịch giữa hai hình thức: kiểm dịch tại kho và kiểm dịch tại cảng sau đó cơ quan cho phép mang hàng về kho bảo quản chờ thông quan căn cứ trên đề xuất của cơ quan kiểm dịch.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Duy trì hiệu lực của giấy phép lưu hành sản phẩm
06:10, 03/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sớm triển khai các nội dung Nghị quyết số 105/NQ-CP
06:00, 03/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp Dược
04:05, 03/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tháo gỡ những bất cập về phí hạ tầng cảng biển
06:10, 02/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Bổ sung luồng xanh vận chuyển vật liệu cho các dự án
06:05, 02/10/2021